Diễn Đàn Văn Thơ
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Diễn Đàn Văn Thơ

Giao Lưu Thơ Văn - Không Chính Trị - Tôn Giáo
 
Trang ChínhTrang Chính  Trang ChủTrang Chủ  Sự kiện  GalleryGallery  Tìm kiếmTìm kiếm  Latest imagesLatest images  Đăng kýĐăng ký  Đăng NhậpĐăng Nhập  

Share | 
 

 Nguyễn Du - Tiểu sử tác giả

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down 
Tác giảThông điệp
Ngọc Mai
Developer
Developer
avatar

Tổng số bài gửi : 132
Xem : 74102
Ngày Tham Gia : 09/04/2014

Nguyễn Du  - Tiểu sử tác giả Empty
17102015
Bài gửiNguyễn Du - Tiểu sử tác giả

Nguyễn Du

Tiểu sử tác giả

Nguyễn Du 阮攸 (13-1-1766 - 16-9-1820), tự Tố Như 做如, hiệu Thanh Hiên 清軒, quê gốc làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, nhưng sinh và trải qua thời niên thiếu ở Thăng Long. Cha là Nguyễn Nghiễm đã làm tới chức tể tướng triều Lê. Mẹ là bà Trần Thị Tần, vợ thứ ba của Nguyễn Nghiễm, người xứ Kinh Bắc (Nguyễn Nghiễm có tám vợ, hai mươi mốt người con). Mười tuổi, Nguyễn Du mồ côi cha, mười ba tuổi mồ côi mẹ. Vì thế tiếng là con quan đại thần nhưng ngay từ thời thơ ấu Nguyễn Du đã phải sống vất vả thiếu thốn. Truyện Kiều và Văn chiêu hồn, hai kiệt tác chữ Nôm của Nguyễn Du, rộng xin được giới thiệu riêng vào dịp khác. Tập sách này chỉ chọn lựa một số bài thơ chữ Hán tiêu biểu của ông.

Thơ chữ Hán Nguyễn Du cho thấy phần sâu kín trong tâm trạng ông. Nó như một thứ nhật ký, giãi bày mọi nỗi niềm, mọi ý nghĩ trong cảnh sống thường nhật của chính ông. Cả ba cuốn Thanh Hiên thi tập (viết trong khoảng 1785-1802, khi Nguyễn Du lánh ẩn ở quê vợ, Thái Bình, rồi trở về Hồng Lĩnh và ra lại Bắc Hà làm quan triều Gia Long), Nam trung tạp ngâm (1805-1812, khi Nguyễn Du làm quan ở Huế rồi cai bạ Quảng Bình) và Bắc hành tạp lục (1813-1814, thơ viết trên đường đi sứ Trung Hoa) đều có một giọng u trầm thấm thía, đầy cảm xúc nội tâm. Thơ chữ Hán Nguyễn Du như một tiếng thở dài luận bàn nhân tâm thế sự và xót thương thân phận. Một hình ảnh trở đi trở lại là mái tóc bạc, Nguyễn Du có mái tóc bạc sớm, mái tóc như biểu tượng của lo nghĩ, của những nghiền ngẫm buồn thương và bế tắc "Tráng sỹ bạch đầu bi hướng thiên, Hùng tâm sinh kế lưỡng mang nhiên", (Tráng sỹ ngẩng mái đầu tóc bạc, bi thương than với trời xanh: chí lớn một đời và miếng ăn hàng ngày cả hai đều mờ mịt). Với một tài năng, lại từng là con quan tể tướng, lời than ấy thật xót xa. Tây Sơn ra Bắc 1786, Nguyễn Du ôm mối ngu trung với nhà Lê, không cộng tác, tìm đường lánh ẩn chịu sống nghèo khổ. Những thiếu thốn vật chất đôi lúc lộ ra trong thơ: Quê nhà đại hạn, mười đứa con sắc mặt xanh như rau ("Thập khẩu hài nhi thái sắc đồng"). Hoặc: Trong bếp suốt ngày không có khói lửa. Trước đèn phải mượn chén rượu cho gương mặt được hồng hào. Do vậy, ông thấy "Nhất sinh từ phú như vô ích, Mãn giá cầm thư đồ tự ngu" (Một đời chữ nghĩa thành vô ích. Sách đàn đầy giá chỉ làm ta ngu dốt). Lời nhận xét thật chua chát, bế tắc. Mái tóc bạc như một chứng tích tiều tụy cho cái nghịch lý ấy: Phơ phơ tóc bạc sống gửi ở nhà người, rồi: Già đến, tóc bạc đáng thương cho ngươi. Nói là già đến, nhưng lúc viết Thanh Hiên thi tập Nguyễn Du chỉ ở tuổi 20 đến 37. "Trù trướng lưu quang thôi bạch phát" (Ngậm ngùi vì ngày tháng giục tóc bạc). Mái tóc bạc thành bạn tri âm cho Nguyễn Du than thở: Tóc sương là bạn đi cùng. Mái tóc bạc bay trước gió thu. Mái tóc bạc nhuốm bụi hồng là chân dung tâm hồn của Nguyễn Du. Cả đời chưa thấy lúc nào ông đắc ý. Một sự chọn hướng trái chiều với bước đi của lịch sử làm Nguyễn Du ngùi ngẫm giằng xé cả một đời, ngay cả thời gian ra làm quan với Gia Long: Ơn vua chưa trả đỉnh đinh, Mưa xuân nhuần thấm nhưng mình lạnh xương. Tạ ơn mưa móc của vua nhưng lại thấy buốt lạnh trong xương cốt. Nỗi niềm ấy chúng ta hiểu cho Nguyễn Du. Nguyễn Du ôm một nỗi niềm éo le. Giáo lý Khổng Mạnh dạy: tôi trung không thờ hai vua. Nhưng với Nguyễn Du, vua phải thờ thì hèn kém, thậm chí rước voi về giày mồ (Lê Chiêu Thống), còn vua phải chống thì lại anh hùng, bảo vệ độc lập dân tộc (Quang Trung). Đau đớn, bế tắc của Nguyễn Du là ở đấy. Biết mà không vượt qua được, ông mong được hậu thế cảm thông: "Bất tri tam bách dư niên hậu, Thiên hạ hà nhân khốc Tố Như" (Ba trăm năm nữa nào biết được thiên hạ ai người khóc Tố Như). Tương truyền: "Khi ốm nặng, ông không uống thuốc, bảo người nhà sờ tay chân. Họ nói: đã lạnh rồi. Ông bảo: Được! Rồi mất. Không trối lại một lời". Có một nỗi niềm đến phút cuối Nguyễn Du vẫn phải nén lại và mang đi. Buồn thương, cô đơn đã thành thuộc tính của đời ông như màu xanh là thuộc tính của cỏ Nhân tự bi thê, thảo tự thanh (Người tự buồn thương, cỏ tự xanh).

Hiện thực cuộc sống bi thương trong xã hội phong kiến cả ở nước ta lẫn ở Trung Hoa thuở ấy, từ cảnh ngộ dâu bể của cô Cầm đánh đàn ở Thăng Long đến nỗi cơ cực của ông già hát rong ở đất Thái Bình (Trung Quốc) đã cho Nguyễn Du thấy thân phận bèo bọt và những bất công mà kiếp người phải chịu. Từ chính cảnh ngộ của mình ông thông cảm sâu sắc, tạo nên tình cảm thấm thía cho những bài thơ thương đời. Thương đời và thương mình đều da diết như nhau. Nguyễn Du hay nói tới thân phận tha hương, lưu lạc. Nỗi nhớ quê nhà luôn luôn bàng bạc trong các bài thơ. Ông thấy tài năng văn chương như con chim phượng nhốt trong lồng nát và công danh thì cùng đường như con rắn đã chui trong hang ("Bình sinh văn thái tàn lung phượng, Phù thế công danh tẩu hác xà"). Ông viết bài thơ chống lại bài Chiêu hồn Khuất Nguyên của Tống Ngọc, ông xui Khuất Nguyên đừng về vì thành quách vẫn còn nguyên mà người đã đổi khác, bụi bặm cuồn cuộn làm nhơ nhớp cả quần áo. Ông khái quát: Đời bây giờ người người đều đều là Thượng Quan (Thượng Quan là kẻ gièm pha làm hại Khuất Nguyên) và mặt đất thì chỗ nào cũng là sông Mịch La (con sông Khuất Nguyên trẫm mình). Ở các bài vịnh nhân vật và luận về các sự kiện lịch sử Trung Hoa trong Bắc hành tạp lục, Nguyễn Du đã xuất phát từ quyền sống, quyền được hưởng hạnh phúc của con người để cân đo lại trọng lượng các vĩ nhân và các chiến công ầm ỹ một thời.

Đọc thơ chữ Hán Nguyễn Du chúng ta hiểu cội nguồn chủ nghĩa nhân đạo của ông thể hiện trong Truyện Kiều và những ký thác đời ông vào hình tượng Kiều, nhân vật sắc tài mà bạc mệnh.


Hà Nội 16-10-2000
Vũ Quần Phương
Về Đầu Trang Go down

 Similar topics

-
» NGUYỄN KHUYẾN : TIỂU SỬ
» TRĂNG NGUYÊN TIÊU & TÌNH AÍ - XƯỚNG HỌA
» Tiêu chuẩn
» Độc Tiểu Thanh ký
» Tiêu tan
Share this post on: reddit

Nguyễn Du - Tiểu sử tác giả :: Comments

avatar
Re: Nguyễn Du - Tiểu sử tác giả
Bài gửi Sat Oct 17, 2015 3:12 pm by Ngọc Mai
Văn tế thập loại chúng sinh

Tiết tháng bảy mưa dầm sùi sụt,
Toát hơi may lạnh buốt xương khô
Não người thay buổi chiều thu,
Ngàn lau nhuốm bạc lá ngô rụng vàng...
Đường bạch dương bóng chiều man mác,
Dịp đường lê lác đác mưa sa
Lòng nào lòng chẳng thiết tha
Cõi dương còn thế nữa là cõi âm.
Trong trường dạ tối tăm trời đất,
Có khôn thiêng phảng phất u minh...
Thương thay thập loại chúng sing
Hồn đơn phách chiếc lênh đênh quê người
Hương lửa đã không nơi nương tựa
Hồn mồ côi lần lữa bấy niên...
Còn chi ai khá ai hèn
Còn chi mà nói ai hèn ai ngu!
Tiết đầu thu lập đàn giải thoát
Nước tĩnh đàn sái hạt dương chi
Muôn nhờ đức Phật từ bi
Giải oan cứu khổ độ về tây phương.

Cũng có kẻ tính đường kiêu hãnh
Chí những lăm cất gámh non sông
Nói chi những buổi tranh hùng
Tưởng khi thế khuất vận cùng mà đau!
Bỗng phút đâu mưă sa ngói lở
Khôn đem mình làm đứa thất phu
Giàu sang càng nặng oán thù
Máu tươi lai láng xương khô rụng rời

Đoàn vô tự lạc loài nheo nhóc,
Quỷ không đầu đứng khóc đêm mưa
Cho hay thành bại là cơ
Mà cô hồn biết bao giờ cho tan.

Cũng có kẻ màn lan trướng huệ
Những cậy mình cung quế Hằng Nga,
Một phen thay đổi sơn hà,
Mảnh thân chiếc lá biết là về đâu?
Trên lầu cao dưới dòng nườc chảy
Phận đã đành trâm gãy bìng rơi
Khi sao đông đúc vui cười
Mà khi nhắm mắt không người nhặt xương.

Đau đớn nhẽ không hương không khói
Hồn ngẩn ngơ dòng suối rừng sim.
Thương thay chân yếu tay mềm
Càng năm càng héo một đêm một dài.

Kìa những kẻ mũ cao áo rộng,
Ngọn bút son thác sống ở tay
Kinh luân găm một túi đầy
Đã đêm Quản Cát lại ngày Y Chu.
Thịnh mãn lắm, oán thù càng lắm,
Trăm loài ma mồ nấm chung quanh
Ngàn vàn khôn đổi được mình
Lầu ca viện hát tan tành còn đâu?
Kẻ thân thích vắng sau vắng trước
Biết lấy ai bát nước nén nhang?
Cô hồn thất thểu dọc ngang
Nặng oan khôn nh9e tìm đường hóa sinh?

Kìa những kẻ bài binh bố trận
Đổi mình vào cướp ấn nguyên nhung
Gió mưa sấm sét đùng đùng
Phơi thây trăm họ nên công một người.
Khi thất thế tên rơi đạn lạc
Bãi sa trường thịt nát máu rơi
Mênh mông góc bể chân trời
Nắm xương vô chủ biết rơi chốn nào?
Trời thăm thẳm mưa gào gió thét
Khí âm huyền mờ mịt trước sau
Ngàn mây nội cỏ rầu rầu,
Nào đâu điếu tế, nào đâu chưng thường?

Cũng có kẻ tính đường trí phú
Mình làm mình nhịn ngủ kém ăn
Ruột rà khôngkẻ chí thân
Dẫu làm nên để dành phần cho ai?
Khi nằm xuống không người nhắn nhủ
Của phù vân dẫu có như không
Sống thời tiền chảy bạc ròng
Thác không đem được một đồng nào đi.
Khóc ma mướn, thương gì hàng xóm
Hòm gỗ đa bó đóm đưa đêm
Ngẩn ngơ trong quảng đồng chiêm
Nén hương giọt nước biết tìm vào đâu?

Cũng có kẻ rắp cầu chữ qúy
Dẫn mình vào thành thị lân la
Mấy thu lìa cửa lìa nhà
Văn chương đã chắc đâu mà trí thân.
Dọc hàng qúan gặp tuần mưa nắng
Vợ con nào nuôi nấng khem kiêng
Vội vàng liệm sấp chôn nghiêng
Anh em thiên hạ láng giềng người dưng
Bóng phần tử xa chừng hương khúc
Bãi tha ma kẻ dọc người ngang
Cô hồn nhờ gửi tha phương
Gió trăng hiu hắt lửa huơng lạnh lùng.

Cũng có kẻ vào sông ra bể,
Cánh buồm mây chạy xế gió đông
Gặp cơn giông tố giữa dòng
Đem thân chôn rấp vào lòng kình nghê.

Cũng có kẻ đi về buôn bán
Đòn gánh tre chín dạn hai vai
Gặp cơn mưa nắng giữa trời
Hồn đường phách sá lạc loài nơi nao?

Cũng có kẻ mắc vào khóa lính
Bỏ cửa nhà gồng gánh việc quan
Nước khe cơm vắt gian nan
Dãi dầu nghìn dặm lầm than một đời
Buổi chiến trận mạng người như rác
Phận đã đành đạn lạc tên rơi
Lập lòe ngọn lửa ma trơi
Tiếng oan văng vẳng tối trời càng thương!

Cũng có kẻ lỡ làng một kiếp
Liều tuổi xanh buôn nguyệt bán hoa
Ngẩn ngơ khi trở về già
Ai chồng con tá biết là cậy ai?
Sống đã chịu một đời phiền não
Thác lại nhờ hớp cháo lá đạ
Đau đớn thay phận đàn bà,
Kiếp sinh ra thế biết là tại đâu?

Cũng có kẻ nằm cầu gối đất
Dõi tháng ngày hành khất ngược xuôi
Thương thay cũng một kiếp người
Sống nhờ hàng xứ chết vùi đường quan.

Cũng có kẻ mắc oan tù rạc
Gửi mình vào chiếu rách một manh
Nắm xương chôn rấp góc thành
Kiếp nào cỡi được oan tình ấy đi?

Kìa những kẻ tiểu nhi tấm bé
Lỗi giờ sinh lìa mẹ lìa cha
Lấy ai bồng bế xót xa
U ơ tiếng khóc thiết tha nỗi lòng.

Kìa những kẻ chìm sông lạc suối
Cũng có người sẩy cối sa cây
Có người leo giếng đứt dây
Người trôi nước lũ kẻ lây lửa thành.
Người thì mắc sơn tinh thủy quái
Người thì sa nanh sói ngà voi
Có người hay đẻ không nuôi
Có người sa sẩy có người khốn thương.
Gặp phải lúc đi đường lỡ bước
Cầu Nại Hà kẻ trước người sau
Mỗi người một nghiệp khác nhau
Hồn xiêu phách lạc biết đâu bây giờ?

Hoặc là ẩn ngang bờ dọc bụi
Hoặc là nương ngọn suối chân mây
Hoặc là điếm cỏ bóng cây
Hoặc là quán nọ cầu này bơ vơ
Hoặc là nương thần từ Phật tự
Hoặc là nhờ đầu chợ cuối sông
Hoặc là trong quãng đồng không
Hoặc nơi gò đống hoặc vùng lau tre

Sống đã chịu một bề thảm thiết
Ruột héo khô dạ rét căm căm
Dãi dầu trong mấy mươi năm
Thở than dưới đất ăn nằm trên sương
Nghe gà gáy tìm đường lánh ẩn
Tắt mặt trời lẩn thẩn tìm ra
Lôi thôi bồng trẻ dắt già
Có khôn thiêng nhẽ lại mà nghe kinh.
Nhờ phép Phật siêu sinh tịnh độ
Phóng hào quang cứu khổ độ u
Rắp hòa tứ hải quần chu
Não phiền trút sạch oán thù rửa không.
Nhờ đức Phật thần thông quảng đại
Chuyển pháp luân tam giới thập phương
Nhơn nhơn Tiêu Diện đại vương
Linh kỳ một lá dẫn đường chúng sinh.
Nhờ phép Phật uy linh dũng mãnh
Trong giấc mê khua tỉnh chiêm bao
Mười loài là những loài nào?
Gái trai già trẻ đều vào nghe kinh.
Kiếp phù sinh như hình như ảnh
Có chữ rằng:"Vạn cảnh giai không"
Ai ơi lấy Phật làm lòng
Tự nhiên siêu thoát khỏi trong luân hồi.
Đàn chẩn tế vâng lời Phật giáo
Của có khi bát cháo nén nhang
Gọi là manh áo thoi vàng
Giúp cho làm của ăn đường thăng thiên.
Ai đến đây dưới trên ngồi lại
Của làm duyên chớ ngại bao nhiêụ
Phép thiên biến ít thành nhiều
Trên nhờ Tôn Giả chia đều chúng sanh.
Phật hữu tình từ bi phổ độ
Chớ ngại rằng có có không không.
Nam mô chư Phật, Pháp, Tăng
Độ cho nhất thiết siêu thăng thượng đài



Thảo luận thêm: Nội dung Văn tế 

(Nguyễn Châu biên soạn)

Bài văn chiêu hồn đã mô tả cảnh khổ đau của mọi hạng người trong xã hội từ những kẻ quyền thế cao sang đến người xó chợ đầu đường. Tất cả mọi người không ai có thể khước từ cái chết. Tuy "mỗi người một nghiệp khác nhau" nhưng cầu Nại Hà thì không ai có thể không bước qua, chỉ là "kẻ trước người sau mà thôi!

Cầu Nại Hà là gì? Tại nơi nào? Theo sách Phật, cầu Nại Hà ở về phía Đông của Thập Điện (tức mười tầng Địa Ngục), những người nghèo hèn và chết yểu (chết trẻ) đều phải đi qua cầu này để vào đường đầu thai sinh vào kiếp khác. Nại Hà là tên con sông ở Địa Ngục có ba cái thác nhỏ, linh hồn các tội nhân khi đến đây phải hỏi xem nơi nào có thể lội qua được để khỏi trầm luân nên gọi là Nại Hà.

Con người khi sống trong xã hội thì có phân biệt cao thấp sang hèn nhưng khi chết thì đều bình đẳng! Nhất là chết mà trở thành cô hồn:

Thương thay thập loại chúng sinh
Hồn đơn phách chiếc lênh đênh quê người!
Hương lửa đã không nơi nương tựa
Hồn mồ côi lần lữa bấy niên
Còn chi ai khá ai hèn
Còn chi mà nói kẻ hiền người ngủ

Cụ Nguyễn Du đã tả cảnh bi thương từ dương gian đến âm phủ: từ tiết đầu thu ảm đạm, thê lương của cõi dương chuyển sang cảnh "trường dạ tối tăm" bi thiết của cõi âm... để nêu ra các loại chúng sanh với những nghiệp cảnh khác nhau nhưng tựu trung đều bi thảm giống nhaụ Nói là "thập lọai" nhưng bài văn đã kể ra cả thảy 16 nghiệp cảnh. Chữ "mười" ở đây không phải là số đếm thông thường mà là tiếng tượng trưng cho sự rộng khắp, tòan vẹn như trong cách nói "mười phân vẹn mười", "nhân vô thập toàn"...

Các loại chúng sinh được nhắc đến trong văn tế là:
1. Những kẻ "tính đường kiêu hãnh" tham danh vọng mà quên mạng sống.
2. Những kẻ giàu sang sống trong "màn loan trướng huệ" tự kiêu, tự mãn về nhan sắc...
3. Những kẻ làm quan to "mũ cao áo rộng" cầm ngọn bút sinh sát trong taỵ..
4. Những tướng sĩ "bài binh bố trận" "đemmình vào cướp ấn nguyên nhung" phơi thây trăm họ để dành công cho bản thân mình...
5. Những kẻ tính đường trời phú bôn ba lìa bỏ quê nhà để mong được giàu sang...
6. Những kẻ "rắp cầu chữ quý"
7. Những kẻ vào sông ra bể, trong sóng gío hiểm nguỵ..
8. Những kẻ thương buôn đường xa
9. Những kẻ phải đi lính
10. Những kẻ sa cơ thất thế rơi vào "buôn nguyệt bán hoa"
11. Những người hành khất "sống nhờ hàng xứ, chết vùi đường quan"
12. Những kẻ mắc vòng tù ngục oan khiên
13. Những kẻ hữu sinh vô dưỡng
14. Những trẻ sơ sinh mất mẹ cha
15. Những kẻ chết vì các loại nạn tai: thủy, hỏa, ác thú...
16. Những kẻ vô tự tức không con cái, thân thuộc

Nêu ra cảnh khổ của cõi âm Nguyễn Du muốn cảnh giác cõi dương là nơi mà cuộc tranh dành lợi danh, tiền của thường rất gắt gao và hung hãn... Tác giả nhắc cho mọi người thấy rõ rằng:

Sống thời tiền chảy bạc ròng
Thác không đem được một đồng nào đi

Và cuối cùng kêu gọi các loại cô hồn hãy khôn ngoan lắng nghe kinh để nương nhờ ph6ep Phật mà thoát khổ. Lấy Phật làm lòng thì tự nhiên siêu thóat trong luân hồi. Văn tế Thập loại Chúng sinh là một lời cảnh báo cho thế gian đáng cho mọi người suy gẫm... trong ngày Đức Mục Kiền Liên cứu mẹ khỏi khổ hình Địa Ngục để báo hiếu.
avatar
Re: Nguyễn Du - Tiểu sử tác giả
Bài gửi Sat Oct 17, 2015 3:13 pm by Ngọc Mai
Văn tế Trường Lưu nhị nữ

Than rằng:
Chùa Phổ Cứu trăng dìu gió dặt ngỡ một ngày nên nghĩa trăm năm;
Doành Đào Nguyên nước chảy hoa trôi bỗng nửa bước chia đường đôi ngả.

Chữ chung tình nghĩ lại ngậm ngùi;
Câu vĩnh quyết đọc càng buồn bã.


Nhớ hai ả xưa:
Tính khí dịu dàng;
Hình dung ẻo lả.

Rạng làu làu gương đan quế vừa tròn;
Non mơn mởn đoá hải đường chưa nở.

Sắc lông mày, săn môi sáp ai chê rằng xấu mô mồ;
Thấp mài tóc cao đường ngôi ta khên đã đẹp cha chả.

Tiếng cười tiếng nói nghe cũng hữu tình;
Nước bước nước đi thật là vô giá.

Tiết dậy mẩy trong năm mười bảy, nghề thú quê giữ mực chân xa;
Cuộc làm vui vừa cợ giêng hai, bàn cờ tướng kén vào con mã.

Khó tột vời mà rất mực hẳn hoi;
Nghề làm ăn chẳng đến điều hèn hạ.

Cuốn song gấm một thềm hoa rụng, gieo thoi vàng dệt bức hồi văn;
Buông rèm sương nửa chái trăng soi, nắn quay sắt kéo dây nhân quả.

Rủ rê năm bảy chị em;
Cưu góp ba làng bốn xã.

Con người ta được một thì con gái được thì ăn được thì chơi;
Ở đất này khá hiếm chi đàn ông chẳng hề quen chẳng hề lạ.

Đêm đêm thường ví hát xôn xao;
Ai ai cũng trầu cau đãi đoã.

Ả nọ o này đông đúc, gái một thì gặp tuổi sang xuân;
Anh kia chú nọ rình mò, trai ba phủ quyết chơi mãn hạ.

Bướm ong phấp phới, thôi quan thì dân;
Oanh yến ra vào, rộng đường quang sá.

Nhất lịch sự là quân phường ngoài Chế, những vất ra túi thuốc bông đào;
Đội thế thần thì quan họ trong làng, cũng mang tới cân ngà quả đá.

Đi về thường nhiều kẻ hẳn hoi;
Ra vào cũng lắm người chằng chạ.

Trước chái thì tàng hình thuỷ phủ đứng lăm lăm ai biết mô mồ;
Trong nhà thì thiết phục long vương nằm trập trập hình như đống mả.

Trai trong làng rình bốn mặt chan chan;
Chó hàng xóm sủa năm canh ra rả.

Biết đó những ngày trong trứng, vui chi hơn liễu cợt hoa cười;
Vẻ chi một chút ngoài da, công đâu lại then cài cửa khoá.

Ngán đâu lời nói mà lo;
Được thế hãy chơi cho thoả.

Buông bè chuối giữa dòng nước chảy, mặc dù ai chống ngược chống xuôi;
Thả lá ngô trước trận gió nồm, đã lắm kẻ bổ nghiêng bổ ngả.

Họp chợ xuân nhiều khách vãng lai;
Dạo điếm nguyệt phải khi kinh quá.

Theo chúng bạn cũng ra điều bất ý, ai dám đâu vác chuông đánh đất Đai Minh;
Gặp chị em chẳng có lẽ vô tình, ta cũng phải gánh ngói rao làng Bùi Ngoã.

Yếm nhuộm điều che trước ngực loè loè;
Câu huê tình đọc bên tai xả xả.

Quây ngoài sân thì trong làng chín mười ả, ả ví, ả hát, ả kéo sợi, ả đưa thoi, lại có ả bưng trầu tận miệng, mỹ nữ như hoa;
Léo lên giường thì quan họ năm bảy ông, ông nói, ông cười, ông ngâm thơ, ông đọc truyện, lại có ông đắp áo trùm đầu, cao bằng mãn toạ.

Thoạt đến đây buổi mới lạ lùng;
Xem chẳng khác người quen suồng sã.

Tiếp đãi mấy đêm một mực, lòng bồ đề hỉ xả từ bi;
Xôn xao một khắc ngàn vàng, dàn chẩn tế ba la bát nhã.

Ba sinh đành một kiếp hẹn hò;
Hai năm được mấy lần chung chạ.

Sừng chuốt lược cũng trong đồng đạo, trai khôn thầy dái gái khôn bà nàng;
Đá tạc bia ai ở dị tâm, đất có thổ công sông có hà bá. có thổ công, sông có hà bá.

Đến vườn mong bẻ một cành cam;
Giải lòng ước chẻ hai thanh ná.

Quả cam chén rượu đãi đằng khi chơi cửa chơi nhà;
Túi vóc khăn là, dặn dò lúc buôn mành buôn giã.

Ân cần nhiều nỗi thư từ;
Hầu hạ chẳng khuây điếu lả.

Phụt ngọn đèn trước mặt, đếch sự đời chẳng phải đứa tiểu tâm;
Đùng tiếng lói sau nhà, đéo mẹ kiếp bỗng có thằng đại phá.

Ta đã đành rụt cổ như rùa;
Ả cũng chớ vật mình như sả.

Giải kết cho ả, mới đến đây ai dám đoạt gia tài;
Hú vía cho tôi, một chút nữa sinh ra ẩu đả.sinh ra ẩu đả.

Của thập phương mặc khách thừa lưa;
Tội nhất xá xin người xuý xoá.

Như có phải quýt làm cam chịu, đã trót thì trét, sợ chi điều nói tỏi nói hành;
Song cũng là cú kêu ma ăn, đi không về không, chi đến nỗi gieo tai gieo vạ.

Ta đã đành mắc tiếng thày lay;
Ả cũng hoá ra người đĩ thoã.

Mấy kẻ biết người biết của, gấm mặc đêm nghĩ lại cũng hoài;
Một chốc ra giận ra thù, bạc gần sáng thổ nào dám gá.

Khoán ước làng cứng nhắc ngô rang;
Nhân nghĩa cũ nát tươm chó nhả.

Của là của chó treo mèo đậy, phải giữ gìn cho lắm, mắt đỏ lòm nhắm tựa mắt lươn;
Công tiếc công cốc mò cò ăn, đi chơi nhởi làm chi, mặt trắng phủi trơ như mặt nạ.

Tiếng tăm chi đó mặc ai;
Ngày tháng còn dài đó đã.

Những ngỡ trăm năm trước hẹn hò đã chắc, để phụ phàng ba chốn bốn nơi;
Nào ngờ tháng sáu này tệ bạc làm sao, bỗng tống táng một tuần hai ả.

Ờ sao mà quên ta được cho đành;
Nói thế mà lấy chồng thực ru tá.

Công lênh ấy ai còn nhớ đến, cũng cầm bằng ruổi ngựa đường dài;
Mối manh kia ta đã biết rồi, thôi cũng chớ giấu voi ruộng rạ.

Thế thời mách chúng ta vậy ru;
Thôi kính hai ả cho rồi cả.

Hãy xem những của lạ lùng;
Chẳng trách chi ai một mả.

Một chú thì dắt mũi trâu từ thuở bé, tắc tắc hò rì;
Một anh thì cắt cỏ ngựa đến tận già, tùng tùng dạ á.

Ở làm chi một năm thêm một tuổi càng cao;
Khen lắm nhỉ hai ả được hai chồng cũng khá.

Thương chắc lấy nỏ được chắc, chúng bạn ta như nghé sổ ràn;
Chê tôm lại phải ăn tôm, lời nói trước như mèo liếm mỡ.

Cha kiếp mình đã ra kiếp lăng nhăng;
Thiệt lòng ta cũng ra lòng suồng sã.

Hựu hà ngôn tại, đã sao thì vậy, lấy ai cũng đã lấy rồi;
Như tư nhi dĩ, đã thế thì thôi, nói mãi ra điều nói chạ.

Mình ở bạc đã ra Dương Tố chi gian;
Ta cũng đen chẳng biết Quan Kiệt chi trá.

Bầu bạn củ rũ đi ngoay ngoảy, chẳng nhớ câu bất diệc lạc hồ;
Nợ nần xưa vỗ sạch sành sanh, quên mất chữ vi chiếu dụng giả.

Đã biết trước yên túc quái tai;
Xem về sau như chi hà dã.

Được đó hãy hay rằng đó, mâm son bát sứ mà ăn cơm với nước cà;
Chắc đâu đã hẳn hơn đâu, chăn tằm hái dâu vẫn mặc quần nâu áo vá.

Nhất bạc tình là thói o Uy;
Chẳng nhân nghĩa ai bằng ả Sạ.

Những ngỡ đứt võng nảy xuống giường bịch cái, chẳng lấy năm thì cũng lấy ba;
Nào ngờ trèo cao sa xuống thấp ôi cha, tưởng mất một hoá ra mất cả.

Đã làm chi thế vội vàng;
Thôi chẳng lo gì thong thả.

Chi những thói cọc cằn lửa khắc, chó cậy nhà gà cậy chuồng;
Tới khi nhà hơi hởi bén mùi, trâu ăn ló bò ăn má.

Lời thề nguyền dĩ trục thuỷ lưu;
Bức thư vãn dụng bằng hoả hoá.

Người đến gốc mong bồng quả bưởi, há phải điều chúng bạn vô tình;
Con sãi chùa lại quét lá đa, thôi mặc kiếp nhà bay bất khả.

Gỗ trôi sông không trở lại Lường Dà;
Muối bỏ bể cũng thiệt công Lữ Xá.

Ả về đó bén duyên phải kiếp, chẳng quản điều mặt muội dầu gio;
Ta bây giờ quá lứa lỡ đôi, thôi chẳng khác mình trần trôn trạ.

Ôi! Nước sông Giang Đình;
Nương khoai Phan Xá.

Dải sông Cài văn vắt nước trong;
Đỉnh ngàn Hống đùn đùn mây toả.

Gương công chúa phá tan từ trước, làm chi những nỗi tá ơm;
Nhịp ngọc tiêu đành để lại sau, khôn ước những điều hú hoạ.

Nương song cúc sắp hỏi han ả Tố, vì đâu mà phận hẩm duyên ôi;
Dạo đường Hoè vừa gặp gỡ chàng Tiêu, từ đây đã người dưng nước lã.

Giận nỗi xưa mồ hôi muối đầm đìa;
Tưởng nghĩa cũ nước mắt gừng lã chã.

Thương vì nỗi mưa dầm rỉ rỉ, chận chắc với con trâu đực, ả cầm đèn, ả đi trước dẫn đường;
Đau vì khi lửa cháy phừng phừng, tím gan cho cái gà toi, ả vác búa, ả đứng ra lấp sá.

Tưởng công phu mà chưa đáng đồng tiền;
Nhớ nhân duyên muốn đi cầu ông Tá.

Nhớ những lúc tắt đèn dạy chuyện, dứt câu này nối câu khác trăng ngoài hiên khi tỏ khi mờ;
Tưởng những khi thắp đuốc chơi đêm, ở nhà ngoài vào nhà trong giọt bên chái như tầm như tã.

Rầm rì thay điếu thuốc trao tay;
Gắn bó mấy hạt cơm dính má.

Xẩy nhớ đến lời ăn tiếng nói, cám buồn mặt lợn, tóc trên đầu đếm chẳng hay cùng;
Sực tưởng khi đua sức đua tài, trơ tráo đầu trâu, gan trong bụng gãi khôn đã ngá.

Có công kể mấy nhật trình;
Lúc ấy ghép vào niên phả.

Nói sao được đường xa dặm ngái, bắt chim trời chi những sự éo le;
Cực những điều kẻ ngược người xuôi, vẻ cò đất vẫn ra điều dối trá.

Hay chi điều con gái chê chồng;
Chẳng có ai đàn ông ở goá.

Ả sang đó bồng con cho sớm, mẹ nằm võng cha nằm giường;
Ta về đây kiếm chút kẻo già, bà ăn nem ông ăn chả.

Sang chợ Vịnh rắp than cùng ả Út, đường đông ăm ắp, thấy mà kinh khăn nhiễu quần điều;
Lên chùa Hương toan tu với sư Viên, rũ sạch làu làu, mua chưa được mũ ni áo vá.

Ở nhà lâu nghĩ cũng bần thần;
Viếng cảnh cũ muốn làm khuây khoả.

Đường cửa Trẹm mỗi ngày một ngại, bóng cây tiếng suối, núi giăng giăng con mắt đã mòn;
Chòm bên làng càng tối càng buồn, ngọn khói hạt mưa, trời thâm thẩm mặt người đã nhoá.

Hắt hiu gió trúc mưa mai;
Quạnh quẽ bóng chim tăm cá.

Vì quan họ nên chúng ta mộ đức, bạn hữu quen còn được bao nhiêu;
Vào trong làng hỏi đôi ả Sạ Uy, lứa tác cũ hãy còn bao nả?

Thăm tận nhà thì chẳng thấy người quen người thuộc, chua cay thay ăn khế với gừng;
Hỏi đến tên thì đã gọi mụ nọ mụ kia, may mắn bấy trồng sung ra vả.

Cửa nhà mình đã bưng kín như buồng;
Tiếng tăm ta cũng rửa sạch như đá.

Nghĩ cũng phải ăn hơn hờn thiệt, có con có cái, ai nói chi những sự nguyệt hoa;
Toan kiếm nơi đứt nối tối nằm, lạ mặt lạ mày, ai chẳng biết lại chê cỏ dã.

Dẫu có ai trẻ mỏ mới lên;
Là những chốn xưa nay chằng bạ.

Thú ngưu mã chú xuôi anh ngược, khăn dì Sàng trầu thuốc đến đâu phần;
Vườn yến oanh cảnh đó người đâu, của ông Đấu gió trăng còn đóng khoá.

Nhân duyên xưa bẻ ngó lìa tơ;
Phong cảnh cũ vàng cây héo lá.

Tìm những chốn tre già măng mọc, hàng thịt nguýt hàng cá, dễ mấy ai cho đáng cải kim;
Dốc một bài xỉ bỏ thủ cầm, trâu cột ghét trâu ăn, sợ hàng xóm lại kêu thuỷ hoả.

Bẽ bàng mong hỏi ả Kiều;
Thương hại sẽ lừa con Sá.

Đầu sông cho đến cuối sông, ở chẳng vừa lòng roi mây đánh chết, gươm thư hùng tuy rẽ đôi nơi;
Đứt dây thì lại nối dây, thế nào tát được giếng này mới thôi, hoa tỉ muội hãy còn một đoá.

Áo đơn đà lây dấu hoa thơm;
Bình không hãy ngát mùi hương xạ.

Vào đất văn vật mang hư danh thì phải dự phòng;
Nổi phép võ biền cứ bản tộc âu là truy nã.

Tiếng tăm kia từ trước chẳng mang;
Duyên nợ ấy về sau khôn trả.

Nếu trước những trồng bông trồng đậu, hết chuyện trò chó chết thì thôi;
Từ rày đừng yêu trái yêu hoa, mất công ấy voi đâu mà tạ.


Nay:
Một nén hương thừa;
Ba tuần rượu hả.

Kể chi những đường kia nỗi nọ, đi thì đi cho thoát, kẻ đã về kiếp ấy thì thôi;
Dù chẳng nên nghĩa trước tình sau, chờ thì chờ cho xong, ai đâu có con hoài mà gả.



Chú thích: 


  • Chùa Phổ Cứu: Tích Trương Thuỵ và Thôi Oanh Oanh chung chạ ở mái Tây chùa Phổ Cứu. Nên chùa Phổ Cứu và mái tây là chỉ nơi trai gái lăng nhăng.
  • Doành: Duềnh.
  • Đào Nguyên: Suối hoa đào là nơi tiên ở.
  • Vĩnh quyết: Dứt khoát lìa nhau.
  • Gương đan quế: Chỉ mặt trăng.
  • Mô mồ: Đâu nào.
  • Tiết dậy mẩy: Tuổi dậy thì.
  • Xa: Cái guồng kéo sợi. Tức hai người làm nghề dệt vải.
  • Cợ: Cỡ, khoảng.
  • Con mã: Tức trong hội đánh cờ người, họ bắt phải con mã.
  • Bức hồi văn: Chỉ tấm vải.
  • Dây nhân quả: Chỉ sợi vải.
  • đãi đoã: Nghĩa cũng như: có mời qua. Đoã là tiếng đệm. Nếu theo âm Nghệ thì đọc là: Đại đoạ nghĩa cũng như mệt nghỉ. Đoạ là Mệt, kiệt sức.
  • Ả: Chị.
  • O: Cô.
  • Mãn hạ: ý nói thoải mái, hết cỡ. Ở đây tác giả dùng chữ mãn hạ là để đối với sang xuân ở câu trên.
  • Thôi quan thì dân: Hết quan đến dân.
  • Phường ngoài Chế: Phường buôn ở làng Chế dưới chân núi Hồng Lĩnh bên bờ sông Lam (chú của Hoàng Xuân Hãn = HXH).
  • cân ngà quả đá: Cái gậy (bằng cái ngà voi) và cục đá nhưng tác giả thêm chữ ngà và quả cho có vẻ. Câu này ý nói: Khách hàng xứ thì sang trọng, lịch thiệp còn trai làng thì cậy thế nên chơi cục.
  • Lá ngô: Lá ngô đồng.
  • Bổ ngả: Té ngửa.
  • đất Đai Minh, làng Bùi Ngoã: Đất Đai Minh nghề chuông, làng Bùi Ngoã nghề ngói. Vác chông đánh đất Đai Minh, gánh ngói rao làng Bùi Ngoã là làm những việc vô ích.
  • Cao bằng mãn toạ: Bạn sang ngồi đầy nhà.
  • Đồng đạo: Cùng lứa.
  • Trai khôn thầy dái, gái khôn bà nàng: Trai khôn như thầy dái (người đã có vợ), gái khôn như bà nàng (người đã có chồng). Ý nói những người đến đó đều khôn ngoan sành sỏi cả.
  • Dị tâm: Khác lòng.
  • Thanh ná: Thanh nứa.
  • Đãi đằng: Giao tiếp bình thường.
  • Lả: Lửa.
  • Lói: Quả pháo lớn.
  • Giải kết: Trai gái ràng buộc, gắn bó nhau.
  • Thừa lưa: Nhiều lắm, thừa mứa ra.
  • Thổ: Trong đám bạc, người cầm cái gọi là thổ. Những người có tiền nhận bảo đảm ứng tiền cho con bạc vay cũng gọi là thổ. Thổ nào dám gá nghĩa là chẳng ai dám nhận lời thách đánh (Nguyễn Thạch Giang = NTG).
  • Tắc, hò, rì: Tiếng điều khiển trâu, miền Bắc gọi là vắt, họ, riệt.
  • Tùng tùng dạ á: Tượng thanh tiếng trống đánh rồi gọi quân lính và quân lính trả lời (HXH).
  • Thương chắc lấy nỏ được chắc: Thương nhau lấy không được nhau.
  • Nghé sổ ràn: Nghé sổng chuồng.
  • Hựu hà ngôn tại, như tư nhi dĩ: Hai câu chữ Nho đồng nghĩa với 2 câu Nôm theo sau (HXH).
  • Dương Tố chi gian: Cái gian của Dương Tố cướp vợ Từ Đức Ngôn là công chúa Nhạc Dương khi Trần bị diệt.
  • Quan Kiệt chi trá: Sự dối trá của Quan Kiệt, kỹ nữ đời Đường (NNTG).
  • Bất diệc lạc hồ: Chữ sách Luận ngữ nghĩa là: chẳng vui sao?
  • Vi chiếu dụng giả: Câu cuối các mẫu văn khế thời xưa, ý nói: Theo phép nước làm tờ này để làm bằng (NTG).
  • Yên túc quái tai, như chi hà dã: Hai câu chữ Nho đồng nghĩa với 2 câu Nôm theo sau (HXH).
  • Trâu ăn ló bò ăn má: Trâu ăn lúa bò ăn mạ.
  • Dĩ trục thuỷ lưu, dụng bằng hoả hoá: Câu chữ Nho: đã phó nước xuôi, toan dùng lửa hoả (HXH).
  • Nhà bay: Nhà chúng mày.
  • Lường: Sông Lường ở Nghệ An (ca dao: Nước sông Lường ai lắng mà trong. Duyên chàng ai tạc cho lòng em say) có bến Đò Lường sau người Pháp viết thành Đô Lương.
  • Dà: Sông Dà ở Hà Tĩnh.
  • Lữ Xá: Có lẽ là một lang làm muối.
  • Trạ: Vật bằng gỗ gắn ở một đầu của cái xa kéo sợi, có lỗ để cắm con suốt quấn chỉ. Khi quấn đủ, người ta lại tháo con suốt đó ra, cắm con suốt khác vào. Trôn trạ là một từ tục.
  • Giang Đình: Đoạn sông Lam chảy qua quê Nguyễn Du.
  • Phan Xá: Tên một thôn ở gần Trường Lưu.
  • Sông Cài: Nguyễn Du ở làng Tiên Điền huyện Nghi Xuân lên hát phường Vải ở làng Trường Lưu huyện La Sơn (nay thuộc huyện Can Lộc), phải đi qua đò Cài.
  • Ngàn Hống: Tức núi Hồng Lĩnh.
  • Tá ơm: Mập mờ, úp mở (NTG).
  • Ngọc tiêu: Sáo ngọc.
  • Ả Tố: Tức Tố Nga, thần xe duyên.
  • Song cúc: Cửa sổ có hoa cúc.
  • Đường Hoè: Tức giấc hoè là giấc mơ hão.
  • Chàng Tiêu: Bị người quyền thế cướp vợ, gặp vợ không dám nhìn.
  • Chận: Chặn. Chận chắc với con trâu đực: Chạy đằng trước để ngăn con trâu đực lại.
  • Sá: Tức đường sá. Dùng từ sá để đối với đường ở vế trên.
  • Ông Tá: Cũng như ả Út, Dì Sàng, ông Đấu, ả Kiều, con Sá chưa rõ.
  • Dạy chuyện: Người hát phường Vải thường phải học thuộc rất nhiều câu để đối đáp với bạn hát. Để có những câu mới và hay thì họ phải tìm đến những bậc giỏi chữ để học. Đây là Nguyễn Du dạy cho hai cô gái Trường Lưu những câu do ông sáng tác.
  • Ngá: Ngứa.
  • Ngái: Xa.
  • Chợ Vinh: Thành phố Vinh trước là Vĩnh An, người Nghệ đọc là Vịnh. Từ thời Pháp thuộc gọi là Vinh.
  • Chùa Hương: Chùa Hương Tích trên núi Hồng Lĩnh.
  • sư Viên: Có lẽ là ông sư ở chùa hồi đó.
  • cửa Trẹm: Tên truông trên đường từ Tiên Điền đi qua chân núi Hồng Lĩnh để lên Trường Lưu, gần làng Kê Treo. (NTG)
  • Mụ: Đại từ chỉ người phụ nữ ở tuổi trung niên. Tuổi thanh nữ thì gọi là o hoặc ả. Trung niên thì gọi là mụ. Già thì gọi là mệ tức bà. Lão thì gọi là cố tức cụ. O Sạ, o Uy đã được gọi mụ tức là khoảng 35. Liên hệ với câu 7 khi tác giả lần đầu gặp 2 người: Tiết dậy mẩy trong năm mười bảy, tức họ 17 tuổi thì từ đó đến lúc này đã trên dưới 20 năm.
  • Vả: Một loại cây giống cây sung, quả cũng gần giống quả sung nhưng không ăn được.
  • Xỉ bỏ thủ cầm: Bỏ răng lấy đầu, ý nói lựa chọn. (NTG)
  • Thế nào tát được giếng này mới thôi: Vế sau của câu này, mấy chữ: "thế nào tát cạn giếng này mới thôi" vừa khác ý vừa không có giọng văn tế. Có thể là thất bản trong khâu sưu tầm.
  • Hương thừa: Hương cháy dở.
  • Rượu hả: Rượu để lâu không đậy, bị nhạt.




_________________________
avatar
Re: Nguyễn Du - Tiểu sử tác giả
Bài gửi Sat Oct 17, 2015 3:29 pm by Ngọc Mai
Thanh Hiên thi tập - 清軒詩集


Thanh Hiên thi tập là tập thơ chữ Hán đầu tiên của Nguyễn Du. Tập thơ này Nguyễn Du làm trong thời kỳ còn hàn vi và có thể phân chia ra làm ba giai đoạn:

1. Mười năm gió bụi (1786-1795) là thời gian ông lẩn trốn ở Quỳnh Côi.
2. Dưới chân núi Hồng (1796-1802), về ẩn ở quê nhà.
3. Làm quan ở Bắc Hà (1802-1804).

Khác với Bắc hành tạp lục là những bài thơ viết về cảm nghĩ của Nguyễn Du với những cảnh trí, địa phận ông đi ngang qua, về nhân vật nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc, phần Thanh Hiên thi tập nói về cá nhân Nguyễn Du và những tình cảm của ông trong hoàn cảnh đương thời.





Mười năm gió bụi (1786-1795)


Tái du Tam Điệp sơn

Vân tế sơn Tam Điệp
Thiên nhai khách tái du
Nhãn trung thu đại địa
Hải ngoại kiến ngư chu
Chướng tĩnh phong loan sấu
Thiên hàn thảo mộc thu
Hành nhân hồi thủ xứ
Vô ná cố hương sầu 



Thăm lại đèo Ba Dội 
(Người dịch: (Không rõ)) 

Đèo Ba Dội cao ngất
Khách xa lại tới thăm
Cái nhìn gom trời đất
Thuyền cá biển xa xăm
Sương tan núi trơ trọi
Trời lạnh cây cỏ dàu
Người khách ngoái nhìn lại
Nhớ nhà càng thêm sầu




山居漫興


南去長安千里餘,
群峰深處野人居。
柴門晝靜山雲閉,
藥圃春寒隴竹疏。
一片鄉心蟾影下,
經年別淚雁聲初。
故鄉弟妹音耗絕,
不見平安一紙書。
 


Sơn cư mạn hứng

Nam khứ Trường An thiên lý dư,
Quần phong thâm xứ dã nhân cư.
Sài môn trú tĩnh sơn vân bế,
Dược phố xuân hàn lũng trúc sơ.
Nhất phiến hương tâm thiềm ảnh hạ,
Kinh niên biệt lệ nhạn thanh sơ.
Cố hương đệ muội âm hao tuyệt,
Bất kiến bình an nhất chỉ thư. 




Dịch nghĩa:

Cách Trường An nghìn dặm về phía nam,
Có một người quê mùa ở trong núi sâu.
Ban ngày yên tĩnh, mây núi che kín cổng tre.
Mùa xuân lạnh, hành trúc quanh vườn thuốc trông thưa thớt.
Thơ thẩn dưới bóng trăng, lòng nhớ quê hương.
Tiếng nhạn đầu mùa khơi thêm dòng lệ biệt ly từ bao năm.
Em trai em gái ở nơi quê nhà, bấy lâu bặt hắn tin tức,
Không nhận được lá thư nào nói cho biết có bình yên hay không?




Ở núi cảm hứng 
(Người dịch: Nguyễn Thạch Giang)

Kinh đô khuất nẻo dặm ngàn xa,
Giữa chốn non xanh một túp nhà.
Ngày lặng cửa sài mây phủ kín,
Trời xuân vườn thuốc trúc lơ thơ.
Lòng quê lai láng gương thiềm rọi,
Lệ cũ đầm đìa tiếng nhạn thưa
Xa cách các em tin tức bặt
Bình yên mấy chữ thấy đâu mà.



_________________________





幽居其二

十載風塵去國賒,
蕭蕭白髮寄人家。
長途日暮新遊少,
一室春寒舊病多。
壞壁月明蟠蜥蜴,
荒池水涸出蝦蟆。
行人莫誦登樓賦,
強半春光在海涯。 



U cư kỳ 2

Thập tải phong trần khứ quốc xa,
Tiêu tiêu bạch phát ký nhân gia.
Trường đồ nhật mộ tân du thiểu,
Nhất thất xuân hàn cựu bệnh đa.
Hoại bích nguyệt minh bàn tích dịch,
Hoang trì thuỷ hạc xuất hà ma.
Hành nhân mạc tụng "Đăng lâu phú",
Cưỡng bán xuân quang tại hải nha (nhai).



Dịch nghĩa
Bỏ quê hương đi suốt mười năm trong gió bụi,
Đầu bạc lốm đốm, còn phải ăn nhờ ở đậu,
Cảnh hiện nay của ta là cảnh đường đi còn dài mà trời đã về chiều, lại không tìm ra bạn mới!
Giữa mùa xuân, nhà lạnh ngắt, bệnh cũ tái phát.
Dưới ánh trăng, thạch sùng leo trên vách nát.
Chiếc ao hoang, nước cạn khô, chỉ còn thấy ếch nhái.
Ai xa quê hương chớ đọc bài phú Đăng lâu.
Quá nửa đời người, ta còn ở nơi chân trời góc biển.



Ở nơi u tịch kỳ 2 (Người dịch: Quách Tấn)

Mười năm gió bụi biệt gia hương,
Nương cửa người phơ mái tóc sương!
Bạn ít ngày chiều đường diệu vợi
Bệnh nhiều xuân vắng quán thê lương
Trăng soi vách thủng khoanh lằn mối
Nước cạn đầm hoang rộn ễnh ương
Già nửa xuân quang thân góc bể
Qua đường chớ đọc phú lầu Vương.


Chú thích: 
Đăng lâu phú: Bài phú tỏ lòng nhớ quê nhà của Vương Xán, một trong Kiến An thất tử.
avatar
Re: Nguyễn Du - Tiểu sử tác giả
Bài gửi Sat Oct 17, 2015 3:37 pm by Ngọc Mai
自嘆其二

三十行庚六尺身,
聰明穿鑿損天真。
本無文字能憎命,
何事乾坤錯妒人。
書劍無成生計促,
春秋代序白頭新。
何能落髮歸林去,
臥聽松風響半雲。 



Tự thán kỳ 2

Tam thập hành canh lục xích thân,
Thông minh xuyên tạc tổn thiên chân.
Bản vô năng tự năng tăng mệmh,
Hà sự càn khôn thác đố nhân?
Thư kiếm vô thành sinh kế xúc,
Xuân thu đại tự bạch đầu tân.
Hà năng lạc phát quy lâm khứ,
Ngoạ thính tùng phong hưởng bán vân!



Dịch nghĩa

Tấm thân sáu thước, tuổi đã ba mươi.
Vì thông minh xuyên tạc mà hại đến thiên chân.
Vốn chẳng có văn chương nào ghét số mệnh,
Làm sao trời đất lại ghét lầm người?
Văn võ không thành sinh kế quẫn bách.
Hết xuân lại thu, đầu cứ bạc thêm.
Ước gì có thể gọt tóc vào rừng,
Nằm nghe tiếng thông reo lưng chừng mây!




Than thân kỳ 2 
(Người dịch: Nguyễn Thạch Giang)

Tấm thân sáu thước tuổi ba mươi,
Đeo đẳng thông minh để thiệt đời.
Chữ nghĩa vốn không ghen với mệnh
Đất trời sao nỡ ghét lầm ai?
Dở danh thư kiếm lại cùng quẫn,
Lần lữa xuân thu tóc bạc rồi
Những ước cạo đầu vào núi ẩn,
Đàn thông nằm lắng tiếng lưng trời!



____________________

不寐

不寐聽寒更,
寒更不肯盡。
關山引夢長,
砧杵催寒近。
廢灶聚蝦蟆,
深堂出蚯蚓。
暗誦天問章,
天高何處問? 


Bất mị

Bất mị thính hàn canh,
Hàn canh bất khẳng tận.
Quan san dẫn mộng trường,
Châm chử thôi hàn cận.
Phế táo tụ hà ma,
Thâm đường xuất khâu dận.
Ám tụng "Thiên vấn" chương,
Thiên cao hà xứ vấn?

Chú thích: 
Thiên vấn: Chỉ chương "Thiên vấn" của Khuất Nguyên.
 



Dịch nghĩa

Không ngủ nằm nghe tiếng trống canh trong đêm lạnh.
Trong đêm lạnh, trống canh điểm không thôi.
Quan san làm giấc mộng dài thêm,
Tiếng chày nện vải càng giục hơi lạnh đến gần.
Cóc nhái tụ họp quanh bếp,
Giun từ góc sâu trong nhà bò ra.
Thầm đọc bài ca hỏi trời,
Trời cao, biết đâu mà hỏi?



Không ngủ 
(Người dịch: Nguyễn Thạch Giang) 

Không ngủ nghe đêm lạnh,
Đêm lạnh càng kéo dài
Dặm trường luôn quấy mộng,
Hơi lạnh giuc mau chày
Bếp nguội cóc quây lại,
Góc sâu giun ra ngoài
Nằm đọc chương Thiên vấn,
Trời cao biết hỏi ai?



_________________________
瓊海元宵 

元夜空庭月滿天,
依依不改舊嬋娟。
一天春興誰家落,
萬里瓊州此夜圓。
鴻嶺無家兄弟散,
白頭多恨歲時遷。
窮途憐汝遙相見,
海角天涯三十年。



Quỳnh Hải nguyên tiêu

Nguyên dạ không đình nguyệt mãn thiên,
Y y bất cải cựu thuyền quyên.
Nhất thiên xuân hứng, thuỳ gia lạc,
Vạn lý Quỳnh Châu thử dạ viên.
Hồng Lĩnh vô gia huynh đệ tán,
Bạch đầu đa hận tuế thì thiên.
Cùng đồ liên nhữ dao tương kiến,
Hải giác thiên nhai tam thập niên.

Quỳnh Hải tức Quỳnh Châu thuộc trấn Sơn Nam xưa, nay là huyện Quỳnh Côi, tỉnh Thái Bình, quê vợ của Nguyễn Du. Năm 1786, sau khi Nguyễn Khản thất lộc, Nguyễn Du lánh nạn về Quỳnh Côi ở nhà anh vơ là Đoàn Nguyễn Tuấn ở xã Hải An (lúc này Lê Chiêu Thống chưa chạy sang Trung Quốc).

Chú thích: 
Thuyền quyên: Dáng đẹp đẽ dễ thương. Nói chung về người lẫn vật, nhưng tục quen dùng để nói riêng về phụ nữ. Ở đây chỉ mặt trăng.
Hồng Lĩnh: Núi ở Nghệ Tĩnh. Nguyễn Du chính quán Hà Tĩnh.
Huynh đệ tán: Thân phụ Nguyễn Du là Nguyễn Nghiễm đỗ tiến sĩ, làm quan, có 8 vợ và 21 con (12 con trai). Con cả là Nguyễn Khản làm tham tụng thời Chúa Trịnh, kế đến là Nguyễn Điều làm đốc trấn Sơn Tây. Người anh cùng mẹ là Nguyễn Nễ làm quan cho Tây Sơn. Người anh khác mẹ là Nguyễn Quýnh âm mưu kết nghĩa chống lại nhà Tây Sơn, bị bắt không chịu phục, nên bị giết. Dinh cơ của họ Nguyễn cùng nhà cửa của đồng bào theo Nguyễn Quýnh đều bị phá huỷ. Anh em Nguyễn Du chạy lánh nạn mỗi người mỗi nơi, chỉ còn người em khác mẹ là Nguyễn Nhưng.
Tam thập niên: Câu này có người cắt nghĩa là: "Ở nơi góc bể chân trời ba chục năm." Giải nghĩa như thế e sai, vì Nguyễn Du lúc chạy đến Quỳnh Côi lánh nạn, tuổi mới trên đôi mươi (sinh năm 1765, đậu tam trường năm 1784, chạy giặc năm 1786). Và lênh đênh nơi quê vợ chỉ trên dưới mười năm. Như vậy phải giải nghĩa là "tuổi ba mươi" mới đúng.



Dịch nghĩa

Đêm rằm tháng giêng, sân vắng, trăng sáng đầy trời.
Vầng trăng vẫn đẹp như xưa, không hề thay đổi.
Chẳng biết nhà ai được hưởng thú vui xuân đêm nay ở đất Quỳnh Châu ngoài muôn dặm này?
Còn ta thì ở quê hương Hồng Lĩnh, chẳng còn nhà cửa, anh em cũng đều tan tác cả.
Đầu đã bạc, càng giận cho ngày tháng trôi mau.
Cảm động biết bao, giữa lúc cùng đường, tuổi đã ba mươi,
Đang ở nơi chân trời góc biển, mà trăng vẫn từ xa đến với ta.



Rằm tháng riêng ở Quỳnh Hải 
(Bản dịch của Nguyễn Thạch Giang) 

Nguyên tiêu sân vắng nguyệt đầy trời,
Vành vạnh như xưa ánh sáng ngời.
Xuân hứng một trời ai hưởng đó,
Quỳnh Châu muôn dặm khách đêm nay
Non Hồng ly tán không nhà cửa
Đầu bạc âu lo mãi tháng ngày.
Lỡ bước luống thương ai gặp gỡ,
Chân trời góc biển, tuổi ba mươi.



Rằm tháng riêng ở Quỳnh Hải 
(Bản dịch của Quách Tấn) 

Rằm tháng giêng trăng vàng lai láng,
Nghìn xưa không đổi dạng thuyền quyên.
Quỳnh Châu muôn dặm đoàn viên,
Một trời xuân hứng xuân riêng nhà nào?
Cảnh Hồng Lĩnh biết bao ly tán!
Bạc mái đầu ngày tháng đổi thay.
Đường cùng mừng thấy nhau đây,
Phương trời lận đận tuổi đầy ba mươi.

(Tố Như thi, An Tiêm xuất bản, Paris 1995)



春日偶興

患氣經時戶不開,
逡巡寒暑故相催。
他鄉人與去年別,
瓊海春從何處來。
南浦傷心看綠草,
東皇生意漏寒梅。
鄰翁奔走村前廟,
斗酒雙柑醉不回。



Xuân nhật ngẫu hứng

Hoạn khí kinh thì hộ bất khai,
Thuân tuần hàn thử cố tương thôi.
Tha hương nhân dữ khứ niên biệt,
Quỳnh Hải xuân tòng hà xứ lai ?
Nam phố thương tâm khan lục thảo,
Đông hoàng sinh ý lậu hàn mai.
Lân ông bôn tẩu thôn thiền miếu,
Đấu tửu song cam tuý bất hồi.


Dịch nghĩa

Bấy lâu khí trời xấu, cửa đóng kín,
Quanh quẩn hết mùa nực lại đến mùa rét.
Ta thì phải giã từ năm cũ ở đất khách quê người?
Chẳng hay xuân từ đâu đến Quỳnh Hải,
Đau lòng nhìn bãi cỏ xanh bên bờ nam,
Và thấy chúa xuân để lộ sinh ý trên cánh hoa mai lạnh.
Có ông già hàng xóm, tay cầm nậm rượu và hai quả cam đi về phía miếu đầu thôn,
Chắc là đang say, không thấy trở về.



Ngẫu hứng ngày xuân
(Người dịch: Nguyễn Thạch Giang)

Mấy lâu trời xấu cửa then cài,
Ấm lạnh lần hồi đã đổi thay.
Đất khách năm qua vừa tiễn biệt
Châu Quỳnh xuân mới lại về đây.
Đông hoàng ý nảy bông mai trắng
Nam phố buồn xem đám cỏ tươi
Bên phố ông già quanh quẩn mãi,
Trái cam, nậm rượu, khướt cung mây.



雜吟

踏遍天涯又海涯,
乾坤隨在即為家。
平生不起蒼蠅念,
今古誰同白蟻窩。
寥落壯心虛短劍,
蕭條旅悶對時歌。
閉門不識春深淺,
但見棠藜落盡花。


Tạp ngâm

Đạp biến thiên nha hựu hải nha,
Càn khôn tuỳ tại tức vi gia.
Bình sinh bất khởi thương dăng niệm,
Kim cổ thuỳ đồng bạch nghĩ oa?
Liêu lạc tráng tâm hư đoản kiếm,
Tiêu điều lữ muộn đối thì ca.
Bế môn bất thức xuân thâm thiển,
Đãn kiến đường lê lạc tận hoa.


Dịch nghĩa

Đi khắp chân trời góc biển,
Trong khoảng trời đất, đến đâu là nhà đó.
Bình sinh chưa hề có ý nghĩ của loài ruồi nhặng,
Xưa nay ai lại cùng chung tổ với lũ mối?
Tráng tâm lâm vào cảnh tịch mịch, phụ cả cây đoản kiếm.
Nỗi buồn lữ thứ càng trở nên tiêu điều khi nghe những bài hát đương thời.
Cửa ngõ đóng kín, chẳng biết xuân sớm hay muộn nữa,
Chỉ thấy cây đường lê rụng hết hoa rồi.



Tạp ngâm 
(Người dịch: Nguyễn Thạch Giang) 

Chân mây góc bể dạo qua rồi
Đâu chẳng nhà ta giữa đất trời
Câu chuyện ruồi xanh đâu nghĩ tới
Cái hang mối trắng chẳng thèm chơi
Thời ca lắng mãi buồn thân khách
Đoản kiếm nhìn thêm thẹn chí trai.
Đóng cửa không hay xuân sớm muộn,
Đường lê hoa đã rụng tơi bời.



Khất thực

Tằng lăng trường kiếm ỷ thanh thiên
Triển chuyển nê đồ tam thập niên.
Văn tự hà tằng vi ngã dụng ?
Cơ hàn bất giác thụ nhân liên! 


Dịch nghĩa

Tựa kiếm dài, ngạo nghễ nhìn trời xanh,
Lăn lộn trong đám bùn dơ ba mươi năm nay.
Văn chương nào đã dùng được việc gì cho ta ?
Đâu ngờ phải đói rét để người thương




Xin ăn 
(Người dịch: Nguyễn Thạch Giang)

Hiên ngang tựa kiếm đứng nhìn trời,
Ba chục năm qua chốn vũng lầy.
Chữ nghĩa ích gì cho cuộc sống ?
Áo cơm buồn những chịu ơn người!






春夜

黑夜韶光何處尋,
小窗開處柳陰陰。
江湖病到經時久,
風雨春隨一夜深。
羈旅多年燈下淚,
家鄉千里月中心。
南臺村外龍江水,
一片寒聲送古今。 


Xuân dạ

Hắc dạ thiều quang hà xứ tầm?
Tiểu song khai xứ liễu âm âm.
Giang hồ bệnh đáo kinh thì cửu,
Phong vũ xuân tuỳ nhất dạ thâm.
Kỳ lữ đa niên đăng hạ lệ,
Gia hương thiên lý nguyệt trung tâm.
Nam Đài thôn ngoại Long giang thuỷ,
Nhất phiến hàn thanh tống cổ câm (kinh).



Chú thích: 
Nam Đài: Tên xóm nhà Nguyễn Du.
Long giang: Tức Thanh Long giang, tên khác của sông Lam, ở quê nhà tác giả, từ ngã ba Hưng Nguyên trở xuống.





Dịch nghĩa

Trời tối đen, tìm đâu thấy cảnh xuân tươi sáng?
Qua khuôn cửa sổ nhỏ, chỉ thấy bóng liễu âm u.
Trong bước giang hồ, lại phải nằm bệnh lâu ngày,
Cuộc đời có khác gì vẻ xuân theo mưa gió chìm trong bóng đêm.
Ở đất khách lâu năm, ngồi dưới bóng đèn mà rơi lệ.
Quê hương xa nghìn dặm, nhìn trăng mà đau lòng.
Ở đó, phía ngoài thôn Nam Đài, tiếng sóng lòng sông Long Giang
Vẫn lạnh lùng tiễn đưa kim cổ.



Đêm xuân 
(Người dịch: Nguyễn Thạch Giang) 

Đêm xuân nào thấy ánh dương trong,
Hàng liễu âm u đứng trước song.
Ốm liệt, giang hồ bao tháng trải,
Xuân về, mưa gió suốt đêm ròng.
Lâu năm đất khách đèn chong lệ,
Ngàn dặm quê hương nguyệt dãi lòng.
Ngoài xóm Nam Đài, Long Thuỷ chảy.
Trôi hoài kim cổ một dòng không.



_________________________
秋至

四時好景無多日,
拋擲如梭喚不回。
千里赤身為客久,
一庭黃葉送秋來。
簾垂小閣西風動,
雪暗窮村曉角哀。
惆悵流光催白髮,
一生幽思未曾開。


Thu chí (II)

Tứ thì hảo cảnh vô đa nhật,
Phao trịch như thoa hoán bất hối.
Thiên lý xích thân vi khách cữu,
Nhất đình hoàng diệp tống thu lai.
Liêm thuỳ tiểu các tây phong động,
Tuyết ám cùng thôn hiểu giác ai.
Trù trướng lưu quang thôi bạch phát,
Nhất sinh u tứ vị tằng khai. 


Dịch nghĩa

Trong bốn mùa, không được mấy ngày cảnh đẹp.
Thời gian vun vút trôi qua như thoi đưa, gọi không trở lại.
Trơ trọi một mình ngoài ngàn dặm, nơi đất khách đã lâu ngày,
Giờ đây một sân đầy lá vàng thu đưa đến.
Nọng gió tây lay động bức mành trước gác nhỏ,
Nơi thôn xóm, sương xuống mịt mù, tiếng tù và buổi sớm nghe đến não nùng!
Thời gian thấm thoắt làm cho mái tóc chóng bạc.
Nghĩ mà ngậm ngùi, suốt đời ta chưa hề gỡ được mối u sầu.



Thu đến (II) 
(Người dịch: Nguyễn Thạch Giang) 

Bốn mùa cảnh đẹp được bao ngày
Vùn vụt thoi đưa gọi chẳng lùi.
Ngàn dặm năm chầy thân khách trọi,
Một sân thu đến lá vàng bay
Gió tây, gác nhỏ, rèm lay động,
Còi sớm, làng xa, tuyết phủ đầy.
Ngày tháng trôi mau buồn tóc bạc,
Nỗi riêng u uất chửa chừng khuây.






繁星歷歷露如銀,
東壁寒蟲悲更辛。
萬里秋聲催落葉,
一天寒色掃浮雲。
老來白髮可憐汝,
住久青山未厭人。
最是天涯倦遊客,
窮年臥病桂江津。

Thu dạ kỳ 1

Phồn tinh lịch lịch lộ như ngân,
Đông bích hàn trùng bi cánh tân.
Vạn lý thu thanh thôi lạc diệp,
Nhất thiên hàn sắc tảo phù vân
Lão lai bạch phát khả liên nhữ
Trú cửu thanh sơn vị yếm nhân
Tối thị thiên nhai quyện du khách
Cùng niên ngoạ bệnh Quế giang tân. 

Chú thích: 
Quế giang: Tức sông Lam.


Dịch nghĩa

Sao dày đặc, trông rõ mồm một, sương trắng tựa bạc
Vách phía đông, dế gặp lạnh, kêu buồn thảm.
Suốt muôn dặm, tiếng thu giục lá cây rụng.
Bầu trời lạnh ngắt, không một vầng mây.
Đến tuổi già, mái tóc bạc, trông mà thương cho anh!
Ở mão nơi đấy, thế mà rặng núi xanh kia vẫn chưa chán người.
Buồn nhất là kẻ du khách ở nơi chân trời đã mỏi mệt,
Lại suốt năm đau ốm, nằm trên bến Quế giang này.



Đêm thu kỳ 1 
(Người dịch: Nguyễn Thạch Giang)

Sao sáng đầy trời sương tực bạc,
Sâu từng kêu lạnh giọng bi ai.
Một trời khí buốt xua mây lạnh,
Muôn dặm hơi thu giục lá rơi.
Ở mãi, non xanh chưa chán khách,
Về già tóc bạc khá thương người.
Bên trời du khách chân đà mỏi,
Sông Tuế quanh năm cứ ốm hoài.


[/size]
秋夜其二

白露為霜秋氣深,
江城草木共蕭森。
剪燈獨照初長夜,
握髮經懷末人心。
千里江山頻悵望,
四時煙景獨沉吟。
早寒已覺無衣苦,
何處空閨催暮砧。

Thu dạ kỳ 2

Bạch lộ vi sương thu khí thâm,
Giang thành thảo mộc cộng tiêu sâm.
Tiễn đăng độc chiếu sơ trường dạ,
Ác phát kinh hoài mạt nhật tâm.
Thiên lý giang sơn tần trướng vọng,
Tứ thì yên cảnh độc trầm ngâm.
Tảo hàn dĩ giác vô y khổ,
Hà xứ không khuê thôi mộ châm? 

Chú thích: 
Ác phát: Chu Công, người lập pháp của nhà Chu, đang ăn cơm có khách đến thì nhả cơm ra tiếp, đang gội đầu thì vắt tóc ra tiếp, phải ba lần mới xong. Ở đây ý nói lòng lo việc nước như Chu Công có được toại nguyện về cuối không.



Đêm thu kỳ 2 
(Người dịch: Nguyễn Thạch Giang)

Hơi thu nặng trĩu đong sương mờ,
Cây cỏ giang thành cảnh xác xơ
Quạnh quẽ đêm dài khêu bấc lại,
Băn khoăn việc nhỡ tháng ngày qua.
Non sông nghìn dặm buồn trông ngóng.
Mây nước tư mùa luống ngẩn ngơ.
Chớm lạnh đã hay không áo khổ
Tiếng ai nện vải bóng chiều tà.
 

Nguyễn Du - Tiểu sử tác giả

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang 

Trang 1 trong tổng số 1 trang

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
Diễn Đàn Văn Thơ :: Forum :: Phòng Thơ Cộng Đồng (Gửi Bài Viết)-