Ngày 20/7, một phi công kỳ cựu giữ chức chủ tịch Hiệp hội Phi công châu Âu cho rằng thời tiết xấu chính là nguyên nhân khiến chiếc máy bay MH17 phải thay đổi đường bay và trở thành mục tiêu của một quả tên lửa phòng không khiến toàn bộ 298 hành khách và thành viên phi hành đoàn thiệt mạng.
Người ta nhận thấy rằng khi bị bắn rơi, MH17 ở cách đường bay thông thường mà nó hay sử dụng để bay từ Amsterdam tới Kuala Lumpur nhiều ngày trước đó vài km. Theo phi công Nico Voorbach, cơ trưởng của MH17 nhiều khả năng đã cho máy bay bay chệch lên phía bắc để tránh một cơn bão đang hình thành ở miền nam Ukraine.
MH17 bị bắn rơi khi đang chuyển hướng lên phía bắc để tránh bão?
Ông Voorbach nói: “Tôi được biết chiếc máy bay đó chuyển hướng để tránh những cơn mưa lớn và sấm sét. Trong trường hợp gặp thời tiết xấu, phi công sẽ xin kiểm lưu về việc bay chệch sang phải hoặc sang trái, và kiểm lưu sẽ cho phép họ làm như vậy.”
Ngoài ra, người ta cũng nắm được thông tin rằng ban đầu MH17 đã đề xuất kế hoạch bay, trong đó phi công yêu cầu được bay ở độ cao hơn 10.600 mét trên không phận Ukraine. Tuy nhiên, khi bay vào vùng trời nước này, phi công đã được đài kiểm lưu địa phương hướng dẫn bay ở độ cao 10.000 mét để tránh máy bay khác. Malaysia Airlines cho biết phi công đã tuân thủ chỉ dẫn của kiểm lưu địa phương.
Bộ trưởng Giao thông Malaysia Liow Tiong Lai cho biết: “MH17 bay trên một hành lang bay nhộn nhịp, giống như đường cao tốc trên trời. Nó đã tuân thủ hướng bay theo chỉ dẫn của nhà chức trách hàng không quốc tế và được cơ quan kiểm lưu châu Âu Eurocontrol phê chuẩn.”
Ông này nói tiếp: “MH17 bay theo độ cao đã định và được đài kiểm soát không lưu địa phương coi là an toàn, và nó chưa
bao giờ bay lạc vào khu vực cấm. Toàn bộ chuyến bay đều tuân thủ quy định. Thế nhưng trên mặt đất, mọi quy tắc chiến tranh đều bị phá vỡ.”
Hiện trường vụ máy bay MH17 bị bắn rơi
Thảm kịch MH17 cũng bộc lộ một vấn đề, đó là sự lựa chọn thiếu khôn ngoan của các hãng hàng không khi tiếp tục cho máy bay của mình bay qua các khu vực chiến sự để giảm chi phí nhiên liệu bất chấp những rủi ro khôn lường.
Hiện nay, các hãng hàng không quốc tế vẫn giao phó trách nhiệm đảm bảo an toàn bay cho chính phủ các quốc gia mà họ bay qua, trong khi nhiều nước luôn muốn có thật nhiều máy bay đi qua không phận để thu tiền phí.
Gần đây, Cơ quan Hàng không Dân dụng Anh đã hối thúc các hãng hàng không nước này không bay qua một vùng trời rộng lớn ở Crimea, Biển Đen, Biển Azov để tránh nguy hiểm. Mặc dù vậy, một số hãng vẫn tiếp tục sử dụng “đại lộ hàng không” này khi bay từ châu Âu tới nam châu Á.
Lúc bị bắn rơi, MH17 chỉ bay cách một chiếc Boeing 787 của Ấn Độ và một chiếc Boeing 777 của Singapore vài cây số. Quy định hạn chế duy nhất do chính phủ Ukraine đặt ra trên vùng trời này là các máy bay phải bay ở độ cao trên 9.700 mét.
Ông Voorbach tuyên bố Hiệp hội Phi công châu Âu đại diện cho 38.000 phi công sẽ thảo luận về việc đề ra các quy định chặt chẽ hơn trong phiên họp tiếp theo để đảm bảo an toàn cho máy bay qua các vùng chiến sự. Kể từ khi MH17 bị bắn rơi, toàn bộ không phận ở miền đông Ukraine đã bị đóng cửa.