HỌC LÀM QUANChuyện bên nước Tần.
Có vị mới đỗ tân khoa, được bổ nhậm làm quan, trên đường nhậm chức bèn ghé thăm Cao Thám Hoa:
- Thưa ân sư, học trò đang lên đường nhậm chức, xin ân sư dạy học trò cách làm quan
- Sách làm quan chỉ có 3 chữ. Ngươi muốn học chữ nào?
- Học trò ngu dốt, xin ân sư dạy rõ hơn.
- Thứ nhất là chữ
THAM: kẻ làm quan mà học chữ tham thì ngoài bổng lộc triều đình thì ngày đêm suy nghĩ dùng mọi mưu ma chước quỷ đê hút máu dân lành , rút bòn công khố, mặc cho bá tánh lầm than. Loại quan nầy chẳng mấy chốc thì vàng ròng thiên dật, điền sản nghìn vuông. Có điều khi còn tại chức thì dân khúm núm trình thưa, nhưng lúc về hưu đi thì hành khất cũng uống rượu ăn mừng. Ngươi có muốn học chữ tham không?
- Thưa ân sư, vậy có khác chi ăn cướp? Học trò không học! Dạ, còn chữ thứ hai?
- Đó là chữ
NÔ.
- Ân sư chỉ dạy!
- Đó là tuyệt đối nghe theo vương mệnh. Đúng cũng nghe, quấy cũng nghe. Vua bảo hay cũng gật, vua bảo dở cũng gật! Kẻ làm quan mà chọn chữ nô chẳng qua là muốn an thân an phận, vinh thân phì gia, phong thê ấm tử. Loại quan nầy dù còn chút lương tri nhưng xem ra chẳng giúp ích gì được cho bá tánh nhân quần. Hơn nữa khi về hưu, hai gối bị sưng vù, cần cổ bị gục xuống vì bao năm quen quỳ và gật! Ngươi có thích học chữ nô không?
- Vậy khác gì con rối, học trò không học! Còn chữ cuối cùng xin ân sư dạy tiếp!
Cao Thám Hoa chỉ vào góc nhà:
- Ngươi lấy cho ta bình rượu để ta giải khát cái đã. Khô cổ rồi!
Cao Thám Hoa dốc bình, tu ừng ực, khồi “khà” một tiếng vô cùng sảng khoái. Lấy tay quẹt miệng, tiếp:
- Chữ cuối cùng là chữ
TÂM. TÂM là tấm lòng, là trái tim. Nó nằm trong chữ lương tâm đó! Người làm quan mà có TÂM thì vui sau cái vui của dân, lo trước cái lo của dân. Người làm quan có chữ TÂM thì khi dân đói , biết; dân no, biết, dân vui, biết; dân có oan khiên thống khổ, biết.
Họ lúc nào cũng đi sát bên dân. Thương dân như con, mà coi dân như bạn. Họ không ngại choàng vai người tay lấm chân bùn; không ngại nói chuyện với những người đầu đường xó chợ, mua gánh bán bưng. Họ trọng trí giả, quý hảo hán anh anh hùng để nâng cao tầm vóc hiểu biết hơn là chè chén với bọn giàu sang mà đầy sạn, đầy phân ở bụng, ở đầu! Những động thái nầy không những không làm họ thấp xuống vài phân mà trái lại còn giúp họ cao thêm muôn trượng!
Người làm quan có chữ TÂM, thì có đủ công, minh, liêm, chính. Cho nên cán cân công lý không hề bên trọng bên khinh,: dù người nhiều quyền thế, lắm kim ngân hay kẻ cùng đinh áo vải thì trước pháp đình cũng bình đẳng như nhau. Còn nhiều nữa, nhưng bấy nhiêu đó ngươi đã làm được chưa?
Vị tân khoa chấp tay:
- Học trò làm được!
- Có điều…
- Ân sư hãy dạy. Học trò lắng nghe!
- Có điều kẻ làm quan có chữ TÂM thì đừng hòng có nhà cao cửa rộng, ngân lượng đầy kho. Bù lại, bá tánh một lòng tôn kính. Nếu một mai họ treo ấn từ quan, hoặc đến tuổi về vườn thì bá tánh trong thành tiếng khóc dậy trời, nước mắt đau buồn chảy thành sông thành suối, sớm chiều vượt ngàn dậm vấn an. Ngươi thấy thế nào?
- Thưa ân sư, “Quan nhất thời, dân vạn đại”. Lại có câu “ Tiền của như phù vân, mà chết cũng chẳng mang được theo được gì”. Ham chi của phi nghĩa mà để tiếng xấu ngàn năm, đời đời cháu con cũng bị người nguyền rủa. Học trò cung kính học chữ TÂM của ân sư dạy.
((Cao Thám Hoa cười lớn:
- Không uổng công dạy dỗ của ta! Nước Tần chỉ cần một nửa quan lại biết chữ TÂM thì lo gì không cường thịnh! Haha
Nói rồi cầm bầu nói:
- Còn bao nhiêu ta và ngươi “cưa hai”. Mà nè, sau nầy có uống Mao Đài, Thiệu Hưng, thì cũng đừng quên rượu ngâm mít nầy của vị kiếm khách ở Đồng Tháp tặng ta nhé! Ha ha
Cả hai cùng cười sảng khoái!))
Kha Tiệm Ly