Diễn Đàn Văn Thơ
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Diễn Đàn Văn Thơ

Giao Lưu Thơ Văn - Không Chính Trị - Tôn Giáo
 
Trang ChínhTrang Chính  Trang ChủTrang Chủ  Sự kiện  GalleryGallery  Tìm kiếmTìm kiếm  Latest imagesLatest images  Đăng kýĐăng ký  Đăng NhậpĐăng Nhập  

Share | 
 

 Nàng Tô Thị Giờ Ở Đâu...

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down 
Tác giảThông điệp
Hồ Xuân Thu
Vip
Vip
Hồ Xuân Thu

Tổng số bài gửi : 483
Xem : 74217
Ngày Tham Gia : 26/04/2014
Đến từ : Tp.hcm

Nàng Tô Thị Giờ Ở Đâu... Empty
09052015
Bài gửiNàng Tô Thị Giờ Ở Đâu...

NÀNG TÔ THỊ GIỜ Ở ĐÂU?
(tâm bút Trần Trung Ðạo)
Tôi không viết nhiều thơ về mùa Xuân. Và ngay cả khi viết về mùa Xuân tôi cũng chỉ viết để tưởng nhớ về những nơi mà tôi đã đi qua, những nơi đó mùa Xuân không còn trở lại mỗi năm. Trong bài thơ Ở Một Nơi Không Có Mùa Xuân, tôi viết về khu Kinh Tế Mới Đồng Xoài, thuộc tỉnh Sông Bé, cách Sài Gòn chừng 80 cây số về hướng Đông. Giữa khu rừng vừa được một đoàn Thanh Niên Xung Phong khai hoang vội vã đó, gia đình tôi và hàng trăm bà con khác đã sống hai năm trong cuộc sống của những con người thời sơ khai tiền sử. Nghĩa là thời kỳ mà tổ tiên chúng ta còn phải đi hái nhặt để kiếm thức ăn.
Nhân vật chính trong bài thơ là chị Mười. Nhà chị ở kế nhà tôi. Chị có 5 người con. Cháu lớn nhất 13 tuổi và cháu út chỉ hơn 2 tuổi. Chồng chị biệt tích sau ngày 30 tháng 4 năm 1975. Có thể anh bị tù ở một nơi xa. Có thể anh đã vượt biên sang xứ lạ. Có thể anh đã hy sinh trong một của những trận đánh cuối cùng ở Long Khánh, ở cầu Tân Cảng. Dù trong trường hợp nào, chị Mười, một mình như con gà mẹ ốm oi, phải cõng bầy con đi lên vùng Kinh Tế Mới Đồng Xoài để bươi chải kiếm ăn.
Tôi sẽ không tả lại cảnh một bữa cơm chiều bằng cháo lỏng và một nắm rau hoang hay cảnh một đêm mưa gió mùa đông tàn nhẫn quét qua căn nhà không vách của chị Mười ở vùng Kinh Tế Mới. Bởi vì, ngôn ngữ dù phong phú bao nhiêu, theo tôi, vẫn khó có thể diễn tả hết được điều mà chúng ta thường gọi là Nỗi Đau Việt Nam. Nỗi đau đó đã đi vào trong máu, hòa trong từng hơi thở, di truyền vào trong từng tế bào sống của dân tộc. Lịch sử rồi sẽ sang trang nhưng các thế hệ Việt Nam mai sau sẽ còn phải sống với nỗi đau đó như một phần của hành trang văn hóa Việt Nam cho nhiều nghìn năm tới.
Ở đây, trong tản mạn cuối năm, tôi chỉ nhắc đến đoạn thơ tôi đã viết về chị Mười và một nơi mùa Xuân không bao giờ đến:
Ở một nơi không có mùa xuân 
Con chim nhỏ chẳng buồn về đậu 
Ngày hai buổi em về qua xóm lạ 
Buồn vương trên tóc nhớ theo chân 
Nắng Sài Gòn từng giọt rưng rưng 
Thời con gái tan theo từng giọt nắng 
Anh ra đi phố phường xưa hoang vắng 
Tháng năm buồn kỷ niệm ngủ không yên 
Em vẫn mơ hoài câu chuyện thần tiên 
Nàng Tô Thị Việt Nam 
Thờ chồng nuôi tằm dệt vải 
Chuyện anh kể năm xưa 
Em học thuộc lòng nên còn nhớ mãi 
Nhỡ mai về anh sẽ trách em quên. 
Em dấu kín nỗi buồn 
Chỉ khóc lúc nửa đêm 
Như sợ anh biết sẽ cười em yếu đuối 
Em dắt con thơ qua vùng Kinh Tế Mới 
Tháng năm ròng học cuốc đất trồng khoai 
Da em sờn vì cực khổ trần ai 
Tóc em rối vì dãi dầu mưa nắng 
Em cố giữ lại đây một nụ cười trong trắng 
Sợ khi anh về mắt ướt sẽ không vui.
Trong bài thơ, tôi ví chị Mười ở Đồng Xoài, một quận miền Đông Nam với nàng Tô Thị ở Đồng Đăng, một làng miền cực Bắc Việt Nam, dựa theo chuyện cổ tích cùng tên.
Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa
Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh.
(Ca Dao)
Rằng ngày xửa ngày xưa, có nàng Tô Thị xinh đẹp nết na, được cha mẹ cho phép kết duyên với một hàn sĩ hiếu học ở làng Đồng Đăng. Mối duyên quê thắm thiết được hai năm, nàng Tô Thị hạ sinh được một đứa con kháu khỉnh. Chẳng may, khi đứa bé vừa chào đời, cũng là lúc giặc xâm lăng từ phương Bắc lại một lần nữa tràn qua biên giới. Chàng hàn sĩ làng Đồng Đăng đành phải "xếp bút nghiên lo việc đao cung", từ giã vợ hiền, con dại, lên đường tòng chinh chống giặc. Năm tháng trôi qua, giặc đã rút về bên kia biên giới, đất nước đã tạm thanh bình nhưng người chồng yêu quý của nàng Tô Thị vẫn chưa trở về nhà. Mỗi buổi chiều trước khi trời tối, nàng Tô Thị ẵm con thơ lên đỉnh núi Đồng Đăng dõi mắt nhìn ra ải Nam Quan, thầm mơ bóng chồng về. Một chiều nọ, nàng Tô Thị trong cơn tuyệt vọng, định ôm con nhảy xuống núi quyên sinh. Trong lúc nàng đang do dự, có thể đang lo nghĩ tới đứa con ngây thơ vô tội, thì một cơn giông băng giá nổi lên, nàng Tô Thị và đứa con bỗng hóa thành tượng đá. Chúng ta gọi hòn đá lớn giống hình mẹ bồng con đó là Hòn Vọng Phu. Sự thủy chung của người phụ nữ Việt Nam được thăng hoa đến nỗi chúng ta ai cũng có một lần ao ước ghé đến Đồng Đăng để được tận mắt chiêm ngưỡng nàng Tô Thị.
Tôi gởi tặng bài thơ cho một người bạn thân ở Việt Nam vì chàng ta rất thích đọc những câu chuyện được viết bằng thơ. Thỉnh thoảng chúng tôi viết thư cho nhau, chia xẻ nhau về nhiều chuyện, từ chuyện văn chương nghệ thuật, chuyện đất nước con người cho đến chuyện những nàng con gái thời còn đi học. Trong một lá thư, bạn tôi viết về các cô gái Sài Gòn thời nay một cách mỉa mai dí dỏm: "Mấy nàng Tô Thị thời nay không giống trong thơ mày đâu, các nàng sang Đài Loan hết rồi". Một dịp khác, chàng ta lại viết, vẫn với một chút đắng cay có pha mùi trách móc: "Và mấy nàng Tô Thị khác của mày đang chia nhau sang Đại Hàn, Mã Lai, Phi-Luật-Tân, Hong-Kong và nhiều nước khác. Văn minh nhân loại đang có khuynh hướng trở về thời mẫu hệ, không lâu chúng ta sẽ đồng hóa cả vùng Đông Nam Á".
Cứ thế trong những lá thư qua lại, tôi biết các nàng con gái Việt Nam lần lượt bỏ quê hương theo chồng sang nước khác. Bạn tôi kể về đám cưới linh đình, được tổ chức tại một khách sạn 5 sao ở Sài Gòn. Trong buổi tiệc, chàng rể người Đài Loan say rượu, mặt đỏ gay, áo quần xốc xếch, ngồi gác chân trên bàn, trong lúc cha mẹ đàng gái khúm núm đứng chung quanh để chụp hình kỷ niệm.
Đất nước nghèo không giữ nổi chân em
Em sang xứ người làm thân gái khách.
(Người Con Gái Việt Nam, thơ Trần Trung Đạo)
Và mới đây, trong một lá thư gởi từ Việt Nam, người bạn của tôi viết: "Lần này, thì chính nàng Tô Thị trong thơ mày cũng đã ra đi. Nàng không đi Đại Hàn, Mã Lai mà đi thẳng qua bên kia Trung Cộng. Một phần lớn của núi Đồng Đăng không còn là của Việt Nam nữa". 
Thật khó tin nhưng đó là sự thật. Theo các tài liệu được phổ biến trong và ngoài nước, chính đảng Cộng Sản cũng đành thừa nhận, vùng đất miền cực Bắc từ Ải Pha Lũy (tức Ải Nam Quan) đến tận núi Đồng Đăng, quê hương của huyền thoại Nàng Tô Thị, đã là đất Trung Cộng theo hiệp ước Đảng Cộng Sản Việt Nam ký hết với Trung Cộng ngày 25 tháng 12 năm 2000. Cả nước Việt Nam, ngoài ban lãnh đạo đảng Cộng Sản, không một ai hay biết chuyện nàng Tô Thị làng Đồng Đăng không còn ở trên đất nước Việt Nam nữa.
Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa
Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh.
(Ca Dao)
Câu ca dao vẫn còn đó nhưng nàng Tô Thị thì đã ẵm con thơ đứng bên kia biên giới. Ba nhạc phẩm Hòn Vọng Phu bất hủ của nhạc sĩ Lê Thương chắc sẽ còn được hát mãi nhưng nàng Tô Thị cổ tích thì đã ra đi. Năm 1306, Huyền Trân Công Chúa nước non ngàn dặm ra đi, đất Việt mở rộng thêm được Châu Ô và Châu Lý, năm 2000 nàng Tô Thị ra đi ta lại mất 720 km vuông đất nước, trong đó có cả Ải Nam Quan lịch sử.
Quê hương ta gấm vóc. Từ Ải Nam Quan đến mũi Cà Mau, mỗi nơi đều có một vẻ đẹp riêng. Chúng ta có cố đô Hà Nội ba mươi sáu phố phường và nghìn năm văn vật, có cố đô Huế với đền đài cung điện và sông Hương Núi Ngự mộng mơ, có xứ Quảng với Hải Vân hùng vĩ và Địa Linh Nhân Kiệt, có Sài Gòn nguy nga sầm uất và hòn ngọc Viễn Đông, có Cần Thơ Sóc Trăng vựa lúa miền Nam và đất đai màu mỡ. Thế nhưng, không một nơi nào làm chúng ta, khi nghe đến, cảm thấy xúc động và tự hào hơn là ba tiếng Ải Nam Quan. Vâng, đúng thế. Ải Nam Quan, tức Ải Phá Lũy, ngoài cái đẹp của thiên nhiên hùng vĩ, vùng tuyến đầu đất nước đó còn nói lên niềm kiêu hãnh của cả một dân tộc sừng sững như bức tường thành trong suốt bốn ngàn năm chống đỡ Bắc phương xâm lược. Ải Nam Quan đồng nghĩa với thiêng liêng huyền bí, với bất khuất anh hùng, và cũng đồng nghĩa với máu xương và nước mắt. Nơi đó:
Mỗi chiếc lá như chừng nghe hơi thở
Mỗi cành cây như có một linh hồn. 
Ta sẽ về sống lại một lần thôi
Em sẽ khóc như chưa hề được khóc
(Về Thăm Lịch Sử, thơ Trần Trung Đạo)
Bức tường đá Phá Lũy ngăn hai đất nước Việt Nam và Trung Hoa kia đã được dựng lên và bồi đắp cao lên bằng xác của bao nhiêu thế hệ Việt Nam. Tổ tiên chúng ta đã chết chồng chất trên bờ tường đá đó để chúng ta ngày nay còn được gọi là người Việt Nam. Xương trắng của ông bà chúng ta làm chông cắm dọc núi đồi Việt Bắc để chúng ta ngày nay không phải mang nhục mất gốc, không bị đồng hóa như dân Đại Lý, Mãn Thanh, Tây Vực, Nội Mông.
Đất nước năm 2000 đã không còn hùng khí thuở bình Mông. Việt Nam năm 2000 đã trở thành một trung tâm dịch vụ rẻ tiền cho trai tứ xứ. So sánh với các quốc gia láng giềng, người dân Việt Nam chưa bao giờ phải sống trên một đất nước nghèo nàn về kinh tế, yếu kém về quốc phòng, thối nát về xã hội như hiện nay. Nhật Bản chỉ cần vỏn vẹn 7 năm sau thế chiến thứ 2 để phục hồi toàn bộ chủ quyền, và 15 năm sau được xem như một cường quốc kinh tế thế giới. Đại Hàn chỉ cần 8 năm sau khi chiến tranh Quốc Cộng chấm dứt vào 1953 để bắt đầu kế hoạch phát triển kinh tế diệu kỳ mở đường cho việc trở thành một con rồng Châu Á. Singapore chỉ cần 10 năm sau khi tách rời khỏi Liên Bang Mã Lai vào 1965 để trở thành cảng trung chuyển và trung tâm tài chánh lớn của Á Châu ngày nay với lợi tức bình quân đầu người năm 2000 là 27,700.00 Mỹ kim.
Xin đừng đổ thừa vì họ đã phát triển nhờ đô-la Mỹ. Đồng đô-la không phải là chiếc đũa thần để có thể biến Nhật Bản, Đại Hàn, Singapore trở nên những cường quốc nếu các nhà lãnh đạo Nhật Bản, Đại Hàn, Singapore không đủ khôn ngoan, không biết nỗ lực, không biết vươn lên, không biết vận dụng lấy cơ hội, không biết nhìn xa vì tương lai của con cháu họ.
Việt Nam thì sao?
Sau 27 năm "làm ngày chưa đủ tranh thủ làm đêm", Việt Nam vẫn chưa rút nổi cái tên ra khỏi danh sách những quốc gia nghèo đói nhất thế giới. Một đất nước với lợi tức đầu người chỉ vài trăm Mỹ kim một năm thì mong gì được ai kính trọng, nể nang. Đau xót không? Dĩ nhiên, chúng ta ai cũng có. Trách cứ người ngoại quốc tại sao không kính trọng Việt Nam chăng? Chắc chắn là không nên. Người ngoại quốc không kính trọng Việt Nam bởi vì đảng và nhà nước Cộng Sản Việt Nam không xứng đáng và cũng không đủ khả năng để làm cho chính phủ và nhân dân các quốc gia trong vùng nói riêng và thế giới nói chung kính trọng.
Chúng ta phải làm gì để giành lại được mảnh giang sơn đã mất?
Phải làm gì để phục hồi sự kính trọng Việt Nam trong các quốc gia láng giềng cũng như trên trường bang giao quốc tế?
Phải làm gì để đưa dân tộc Việt Nam bước ra khỏi vòng bế tắc, nghèo nàn lạc hậu để trở thành một cường quốc kinh tế, cường quốc khoa học kỹ thuật?
Phải làm gì để thế hệ Việt Nam ngày nay xứng đáng được gọi là thế hệ kế thừa lịch sử bốn ngàn năm văn hiến?
Phải làm gì để không tủi hổ với bao nhiêu máu xương mà cha ông chúng ta đã đổ xuống ở Ải Nam Quan, ở Ải Chi Lăng, Tụy Động, Chúc Động?
Phải làm gì và phải làm gì?
Đây là những câu hỏi lịch sử, những trách nhiệm lịch sử, những thách thức lịch sử của thời đại Việt Nam đầu thiên niên kỷ thứ ba. Những thách thức đó vượt qua giới hạn và khả năng của mỗi người, mỗi đoàn thể, mỗi tôn giáo. Những thách thức đó vượt qua cả giới hạn của miền Bắc hay miền Nam, của trong nước hay ngoài nước, của người Kinh hay người Thượng. Đó là thách thức chung cho tất cả người Việt Nam như một dân tộc. Chính dân tộc Việt Nam phải tự tìm lấy một câu trả lời cho vấn nạn của chính mình chứ không thể đi tìm từ đâu khác, hay trông cậy vào ai khác sống thay cho số phận của mình.
Chúng ta đang đứng trước khó khăn nhưng đồng thời cũng đang đứng trước một cơ hội lớn: Cơ Hội Đoàn Kết Dân Tộc. Bằng sức mạnh đoàn kết dân tộc, chúng ta mới có khả năng bảo vệ được chủ quyền và lãnh thổ Việt Nam. Bằng sức mạnh đoàn kết dân tộc, chúng ta mới có khả năng vượt lên những hệ lụy quá khứ để hướng vào tương lai tươi sáng cho đời đời con cháu mai sau. Bằng sức mạnh đoàn kết dân tộc, chúng ta mới có khả năng phục hồi sự kính trọng Việt Nam trong lân quốc cũng như trong bang giao quốc tế.
Người Việt Tự Do đã bỏ lỡ nhiều cơ hội đoàn kết dân tộc. Hôm nay một lần nữa, người Việt yêu nước trong và ngoài nước đang có thêm một cơ hội để đoàn kết dân tộc để cùng lúc xóa bỏ chế độ độc tài Cộng Sản, xây dựng một xã hội Việt Nam Dân Chủ, Nhân Bản và Thịnh Vượng. Nếu chúng ta bỏ lỡ cơ hội này thì chính chúng ta sẽ có tội với đất nước. Nếu mỗi chúng ta không gạt bỏ được những tỵ hiềm tôn giáo, bức xúc cá nhân, ganh đua phe phái để tạo tiền đề cho được sự đoàn kết dân tộc, thì rồi chúng ta, dù có sống nhục ở quê hương hay gởi thân tàn trên đất khách thì cũng không nên oán trách chi ai, không nên đổ thừa cho ai khác, kể cả oán trách và đổ thừa cho Cộng Sản.
Trần Trung Đạo


Nàng Tô Thị Giờ Ở Đâu... 376649_467919566565493_529822299_n
Về Đầu Trang Go down

 Similar topics

-
» Xe Nâng 7777 chuyên bán xe nâng và các dịch vụ liên quan đến sản phẩm xe nâng hàng tại TP.HCM
» Nâng cơ hoa hồng xanh, nâng cơ bằng chỉ hoa hồng xanh, Nâng cơ trẻ hoá khuôn mặt trong 50 phút
» Đi Đà Nẵng, đặt phòng Pullman Da Nang beach resort
» Đà Nẵng: Tặng máy hỗ trợ kỹ năng hồi sinh tim phổi cho học sinh THPT
»  Em Đeo Sợi Nắng
Share this post on: reddit

Nàng Tô Thị Giờ Ở Đâu... :: Comments

No Comment.
 

Nàng Tô Thị Giờ Ở Đâu...

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang 

Trang 1 trong tổng số 1 trang

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
Diễn Đàn Văn Thơ :: Forum :: Phòng Văn Cộng Đồng (Gửi Bài Viết)-