Trong thời gian gần đây, kể từ sau thảm họa động đất, sóng thần và sự cố rò rỉ phóng xạ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima, Nhật Bản, đã có nhiều lo sợ về khả năng ô nhiễm phóng xạ từ ở Việt Nam. Trong rất nhiều thông tin về các chất phóng xạ, chúng ta thường nghe đến Iod-131 (I-131) và Cesium-137 (Cs-137) vậy các chất phóng xạ này là gì và chúng sinh ra từ đâu?
Theo thông tin từ Cơ quan bảo vệ môi trường – Hoa Kỳ (EPA) thì:
Cesium-137 Là đồng vị phóng xạ nhân tạo được sinh ra từ phản ứng phân hạch hạt nhân nguyên tử uranium hay plutonium, chúng rất nguy hiểm cho môi trường do có thời gian bán hủy đến 30 năm. Nó không chỉ có tính phóng xạ cao mà với thời gian bán hủy dài nên có thể tồn tại và gây tác động đến môi trường trong hàng trăm năm. Ngoài tính phóng xạ cao, thời gian bán hủy dài, Cs-137 còn có tính chất hóa học giống kali (một trong những chất điện giải rất quan trọng đối với mọi tế bào sống), nên chúng có khả năng chuyển hóa tương tự như kali và sẽ thông qua chuỗi thức ăn để tích tụ trong cơ thể và gây tác động lâu dài. Khi tự phân hủy Cs-137 sẽ sinh ra bức xạ beta và gamma, cả hai loại bức xạ này đều là bức xạ ion hóa mạnh, trong đó tia gamma có khả năng xuyên thấu cao, còn bức xạ beta có khả năng xuyên thấu rất nhỏ nên chúng rất nguy hiểm khi quá trình phát xạ xảy ra trong hệ tiêu hóa, khi đó toàn bộ năng lượng bức xạ sẽ tác động trực tiếp đến các tế bào ở khoảng cách gần. Iod-131 I-131 (còn gọi là iod phóng xạ) cũng là một đồng vị phóng xạ nhân tạo được sinh ra từ phản ứng phân hạch hạt nhân nguyên tử uranium hay plutonium, có là chất được quan tâm nhiều nhất trong tất cả các vụ rò rỉ hạt nhân vì tính dễ bay hơi, tính phóng xạ mạnh và thời gian bán hủy đến 8 ngày. Ngoài ra, I-131 còn được quan tâm bởi trong cơ thể người chúng sẽ nhanh chóng được chuyển đến tuyến giáp và hầu hết các chất iod được hấp thu bởi cơ thể sẽ tập trung tại đây. Khi phân hủy, I-137 sẽ phóng thích ra bức xạ ion hóa beta và sẽ tác động lên các mô ở vùng tuyến giáp dẫn đến khả năng ung thư tuyến giáp. I-131 có tính chất tương tự như iod thông thường, dễ hòa tan trong nước nên chúng dễ dàng được hấp thu vào cơ thể thông qua đường tiêu hóa thông qua chuỗi thức ăn hoặc hô hấp trực tiếp từ không khí. Trong các vùng bị rò rỉ phóng xạ người dân thường được cho sử dụng thuốc chứa kali iodua (KI) để bổ sung iod đầy đủ cho tuyến giáp, như vậy iod phóng xạ sẽ dễ dàng được bài tiết ra ngoài và giảm tác động đến sức khỏe. Tuy nhiên, theo thông báo của Cơ quan Quản lý Dược và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) thì chỉ những người bị ảnh hưởng trực tiếp bởi phóng xạ mới cần sử dụng KI, còn trong điều kiện bình thường thì người dân không cần phải sử dụng. Dù là chất phóng xạ nào thì chúng cũng gây tác động lên các cơ thể sống do sự sản sinh ra các loại bức xạ ion hóa trong quá trình phân rã hạt nhân, có ba dạng bức xạ ion hóa thường được sinh ra: bức xạ anpha, bức xạ beta và tia gamma. Bức xạ anpha: là chùm các hạt nhân nguyên tử Heli có điện dương tích 2+, chúng nặng và nhanh chóng bị mất năng lượng trong không gian nên không thể truyền đi xa, không thể xuyên thấu qua được ngay cả một tờ giấy hay da người. Tuy nhiên, bức xạ anpha là một bức xạ ion hóa và khi chúng ta nuốt hay hít phải những chất có khả năng phóng thích bức xạ anpha thì chúng sẽ gây tổn hại cho các cơ quan trong cơ thể. Bức xạ beta: là chùm các hạt electron, có kích thước nhỏ, mang điện tích âm, chúng chuyển động nhanh và có khả năng xuyên thấu mạnh hơn bức xạ anpha, chúng có khả năng xuyên thấu những vật có chiều dày khoảng 1-2cm như da người. Bức xạ gamma: là các sóng năng lượng cao, giống như sóng ánh sáng nhưng có năng lượng cao hơn ánh sáng rất nhiều. chúng có thể truyền đi rất xa trong không gian, chúng có khả năng xuyên thấu mạnh. Tuy nhiên, các vật liệu như bê tông, chì, kim loại vẫn có khả năng ngăn chặn được tia gamma. Tuy vậy, chúng ta cũng không cần quá lo lắng về sự ảnh hưởng của các chất phóng xạ và các loại bức xạ nêu trên vì theo công bố của Viện Khoa học Kỹ thuật Hạt nhân Việt Nam (VAEC) thì nồng độ các chất phóng xạ trong không khí tại Việt Nam không ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường. Và thực tế hàng ngày con người đang chịu tác động của rất nhiều loại bức xạ khác nhau, trong đó gần 90% là các loại bức xạ từ tự nhiên (tia tử ngoại, ánh sáng, tia hồng ngoại) và khoảng 10% là các loại bức xạ do con người tạo ra mà phần lớn trong số đó là từ các xét nghiệm và các liệu pháp trong y tế (chụp X-quang, CT-scan, siêu âm, vi sóng, sóng radio, thực phẩm chiếu xạ, sóng điện thoại…) Ths. Trần Trọng Vũ Giảng viên Khoa Công Nghệ Thực Phẩm - Đại học Công Nghệ Sài Gòn: www.stu.edu.vn |